Tài chính

Liệu sẽ còn một đợt giảm lãi suất điều hành ngay trong năm nay?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 15/3 vừa qua đã giảm 1 điểm % nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vẫn thể hiện quan điểm sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Điển hình như ngày 16/3, bất chấp những biến động thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5% ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là mức lãi suất cao nhất của ECB kể từ cuối năm 2008.

Hay hồi tuần trước, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell có đã có bài phát biểu trước quốc hội nước này thể hiện lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất trong tương lai. "Các dữ liệu kinh tế gần đây đã diễn biến nhanh hơn kỳ vọng, mức lãi suất tối ưu có thể vì thế sẽ phải cao hơn so với các dự báo trước đây", ông Powell nhận định.

Giữa bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang phát đi tín hiệu thể hiện nền kinh tế và thị trường tài chính trong nước vẫn đang bình ổn. Mọi việc vẫn đang được kiểm soát tốt.

Liệu sẽ còn một đợt giảm lãi suất điều hành ngay trong năm nay? - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PV: Chuyên gia đánh giá thế nào về động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa qua?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hành động hạ lãi suất điều hành của NHNN là giải pháp giúp các ngân hàng thương mại có thể hạ lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế.

Có thể đến cuối tháng 4/2023, mặt bằng lãi suất của các khoản vay trong nền kinh tế có thể giảm 1,5 -2% so với trước đây.

Với động thái này, nhà điều hành cũng đang phát đi một một tín hiệu rằng, nền kinh tế tương đối ổn định, thị trường tài chính tiền tệ có chiều hướng tốt trong thời gian tới.

Xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ thế nào thưa ông, liệu có còn dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành không thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Thời gian gần đây, thị trường tài chính Mỹ có ghi nhận sự đổ vỡ ở một số ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà điều hành Mỹ cũng đã có những hành động can thiệp nhằm củng cố lòng tin của thị trường. Tôi cho rằng, tình hình sẽ sớm ổn định.

Cũng cần nói thêm, đây chỉ là các sự vụ mang tính chất cục bộ, không có sự lây lan giữa các ngân hàng Mỹ. Có thể sẽ có một số ảnh hưởng trên thị trường tài chính thế giới, song tác động là không quá lớn.

Việc này nó có thể ảnh hưởng đến phần nào các quyết định lãi suất của FED, song tôi cho rằng tác động là không quá lớn. Nếu thời gian tới cơ quan này có tăng lãi suất thì mức tăng cũng tương đối nhẹ, không cao như thời gian trước, có thể sẽ chỉ ở mức tăng 0,25 điểm.

Về phía Việt Nam, tùy theo diễn biến của lạm phát và tỷ giá, ngân hàng Nhà nước có thể sẽ có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, lạm phát trên toàn cầu đang hạ tương đối nhanh. Mặc dù nhiều quốc gia vẫn đang tăng, song tốc độ không còn quá nhanh như trước.

Thời gian vừa qua, NHNN cũng đã giữ ổn định tỷ giá VND so với USD. Việt Nam Đồng là một trong những đồng tiền ít bị ảnh hưởng nhất, cả năm 2022 chỉ giảm khoảng 2,09% so với USD. Những ngày gần đây, sức ép đối với tỷ giá cũng đã giảm xuống. Điều này cũng thể hiện thị trường tài chính tiền tệ vẫn đang rất tốt.

Nếu tình hình vẫn được duy trì ổn định, chúng ta có thể kỳ vọng  NHNN trong những tháng cuối năm sẽ xem xét hạ lãi suất điều hành một lần nữa.

Áp lực lãi suất đã giảm xuống, thời gian tới ngành ngân hàng cần lưu tâm điều gì thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Giai đoạn cuối năm 2022, ngành ngân hàng có gặp một số khó khăn về thanh khoản và xuất hiện cuộc đua lãi suất. Điều này dẫn đến tình trạng lạm phát thấp nhưng lãi suất huy động lại tương đối cao.

Hiện tại, dù lãi suất tiền gửi đã hạ xuống, song lãi suất tiền gửi vẫn thực dương. Việc thu hút được dòng tiền của xã hội vào ngân hàng cũng là điều không quá khó khăn. Trong tháng 2 tháng đầu năm, tiền vẫn vào hệ thống, căng thẳng về thanh khoản cũng không còn như trước.

Cần lưu ý thêm, mặc dù thị trường chứng khoán đã ấm lên, song thị trường trái phiếu vẫn đang dậm chân tại chỗ. Nhu cầu vay vốn ngân hàng vì thế vẫn đang ở mức cao. Các nhà băng cần chuẩn bị nguồn vốn đảm bảo tính thanh khoản và phục vụ tốt nhu cầu vốn của nền kinh tế. Thời gian tới, ngành ngân hàng cũng cần tăng cường quản trị rủi ro, theo dõi và đảm bảo khả năng hoàn trả nợ tốt hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!


Cùng chuyên mục

Đọc thêm