Tài chính

Chuyện người đàn ông kiếm 300 triệu USD/năm nhờ biến ảnh trong điện thoại thành ốp lưng, bán 15 triệu chiếc trên toàn cầu

Cảm hứng đến với Wesley Ng khi anh lướt Instagram năm 2011 và thấy mọi người hào hứng chia sẻ từ ảnh điện thoại. Trong đầu anh nảy ra câu hỏi: “Tại sao không sản xuất và bán những chiếc ốp điện thoại in hình ảnh theo yêu cầu?”.

Ý tưởng này dẫn đến sự ra đời của Casetify - thương hiệu phụ kiện công nghệ có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) do Ng và đồng sáng lập Ronald Yeung ra mắt cách đây 12 năm. Kể từ đó, Casetify đã bán được hơn 15 triệu chiếc ốp điện thoại, đạt doanh thu hàng năm 300 triệu USD vào năm ngoái.

“Tôi cho rằng chúng tôi là một trong những thương hiệu đầu tiên ra đời và phát triển nhờ Instagram, Ng – CEO hành 42 tuổi của Casetify, chia sẻ với CNBC.

Để biến Casetify thành thương hiệu trị giá nhiều triệu USD, hai nhà sáng lập đã tận dụng nền văn hóa đang phát triển lúc bấy giờ của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Thời gian đầu thành lập công ty, Ng gửi tin nhắn cho bất kỳ tài khoản nào mà anh thấy có nhiều người theo dõi trên Instagram, hỏi xem họ có muốn biến những bức ảnh của mình thành ốp điện thoại không.

Chuyện người đàn ông kiếm 300 triệu USD/năm nhờ biến ảnh trong điện thoại thành ốp lưng, bán 15 triệu chiếc trên toàn cầu - Ảnh 1.

Chân dung Wesley Ng.

“Nếu thích sản phẩm, họ có thể sẽ chia sẻ trên Instagram với người theo dõi. Đó là chiến lược chúng tôi đã áp dụng từ ngày đầu tiên. Nó đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của Casetify”, Ng cho biết.

Bên cạnh đó, một phần thành công của công ty đến từ thời điểm. Chiến lược KOL của Casetify khi đó không vấp phải nhiều sự cạnh tranh trên thị trường. Còn ở thời điểm hiện tại, đây đã trở thành hình thức được phần lớn các công ty, bao gồm cả công ty lớn lẫn những đơn vị nhỏ hơn với ngân sách marketing không quá lớn.

Nhờ danh tiếng của mình, trong những năm gần đây, Casetify đã hợp tác với nhiều KOL hàng đầu như Kylie Jenner. Công ty còn hợp tác với rapper Drake, nữ ca sĩ Olivia Rodrigo, đồng thời duy trì quan hệ đối tác với các thương hiệu như Disney, NASA và Saint Laurent.

Tuy nhiên, trong thị trường ngày càng phát triển như hiện nay, sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Theo Ng, thật khó để nổi bật nếu không liên tục đưa ra những chiến dịch mới mẻ.

Điều đó giải thích một số quyết định gần đây của Casetify. Công ty đã mở rộng sang nhiều nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok để thu hút thêm khách hàng. Ngoài ra, họ còn mở rộng danh mục sản phẩm, hiện bao gồm nhiều loại phụ kiện điện thoại khác nhau. Không chỉ vậy, công ty đã lấn sân sang bán hàng ngoại tuyến. Năm 2018, trung tâm thương mại Nordstrom đã bắt đầu bán các sản phẩm Casetify. Năm 2020, công ty mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Hong Kong (Trung Quốc).

Chuyện người đàn ông kiếm 300 triệu USD/năm nhờ biến ảnh trong điện thoại thành ốp lưng, bán 15 triệu chiếc trên toàn cầu - Ảnh 2.

Một cửa hàng Casetify.

Công ty hiện có 25 cửa hàng, chủ yếu ở châu Á và Úc. Trong khi bán hàng trực tuyến phù hợp với khách hàng trẻ tuổi, am hiểu công nghệ thì việc bán tại cửa hàng giúp Casetify có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng hơn và giúp khách hàng có cơ hội đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi mua.

Cửa hàng đầu tiên ở Mỹ của Casetify được khai trương vào năm ngoái tại Santa Clara (California) và công ty đang thử nghiệm “phòng thí nghiệm phong cách” ở một số thành phố. Tháng trước, một cửa hàng pop-up (mở và đóng cửa trong thời gian ngắn) như vậy đã được mở ở New York. Tại đây, người mua có thể tự tạo thiết kế của riêng mình và nhận sản phẩm chỉ trong 30 phút. “Đây là điểm bán hàng đặc biệt của chúng tôi, đem lại sự hài lòng ngay lập tức cho các vị khách”, Ng cho biết.

Nguồn: CNBC


Cùng chuyên mục

Đọc thêm