Thông tin nêu trên trang Morning Star ngày 13/8. Con số chi tiết về EBITDA chưa được tập đoàn mẹ là Alibaba Holding công bố. Tuy vậy đơn vị này cho biết mức lỗ trên mỗi đơn hàng của Lazada đã giảm đáng kể nhờ tăng doanh thu và giảm chi phí hậu cần.
Xét chung mảng thương mại điện tử của Alibaba Holding (gồm các thương hiệu Lazada, AliExpress, Trendyol, Alibaba và Daraz), doanh thu quý I/2024 đạt 27,45 tỷ nhân dân tệ, khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Riêng tập đoàn Alibaba đạt mức tăng doanh thu 7%.
Thời gian qua, nền tảng thương mại điện tử tập trung vào thị trường Đông Nam Á trong bối cảnh thị trường Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Trước đó, trong năm tài chính 2023, mảng thương mại điện tử của Alibaba Holding ghi nhận khoản lỗ EBITDA điều chỉnh là 8,035 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,12 tỷ USD.
Lazada có trụ sở tại Singapore, hoạt động tại 6 thị trường Đông Nam Á và đặt mục tiêu phục vụ 300 triệu khách hàng vào năm 2030. Ông James Dong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada cho biết cột mốc EBITDA dương thể hiện chiến lược kinh doanh hiệu quả. Kết quả này hình thành từ ba trụ cột: ứng dụng AI và công nghệ, phát triển tiếp thị trực tuyến kèm ưu đãi cho người dùng, tối ưu hóa logistics.
Với người bán, Lazada đầu tư vào phát triển cộng đồng nhà bán hàng thông minh thông qua các chương trình đào tạo. Đơn vị tổ chức Học viện Lazada, cung cấp kinh nghiệm thực chiến cho hàng triệu người bán. Công nghệ AI liên tục đưa vào nhằm hỗ trợ bên bán tiếp cận, tương tác với khách hàng, tăng doanh số. Theo thống kê của nền tảng, đã có hơn 600.000 nhà bán hàng trên khắp Đông Nam Á đã sử dụng các dịch vụ tài trợ và đạt được ROI (tỷ lệ lợi nhuận) tăng gấp 10 lần.
Ở chiều ngược lại, các chính sách gia tăng trải nghiệm bên mua cũng liên tục cải tiến. Người mua được hưởng nhiều ưu đãi, giảm giá, có chính sách trả hàng trong vòng 30 ngày cho các sản phẩm thuộc LazMall và Choice. Đơn vị cũng cho phép đồng kiểm từ tháng 8 năm nay.
Về logistic, Lazada hiện có hệ sinh thái toàn diện bao gồm khâu quản lý tồn kho cho người bán, thu gom hàng từ điểm bán, hệ thống kho bãi, khả năng vận chuyển cho đến dịch vụ giao hàng toàn quốc.
Tại thị trường Việt Nam, năm 2023, đơn vị khánh thành trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao tại KCN Sóng Thần 1 (Bình Dương), rộng gần 20.000 m2, mỗi ngày có thể xử lý một triệu bưu kiện. Trung tâm này có mức độ tự động hóa đến 99% nhờ hệ thống công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine learning (máy học).
Hệ thống trung tâm phân loại, kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa và mạng lưới bưu cục ở Việt Nam rộng hơn 150.000 m2. Ông lớn ngành thương mại điện tử còn sở hữu hàng nghìn điểm gửi hàng (Drop-off Point) trên diện rộng thông qua liên kết với các đối tác, hàng trăm điểm nhận hàng (Collection Point) và hệ thống tủ khóa thông minh (Smart Locker).
Lazada còn tiên phong đưa các phương tiện thuần điện vào khâu giao vận ở nhiều quốc gia. Xe điện được sử dụng là loại thiết kế riêng để giao hàng trong phố, có thùng rộng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp thương mại điện tử xem công nghệ là yếu tố bắt buộc trong mọi điểm chạm, tạo trải nghiệm mới mẻ. Nền tảng sử dụng Big data và Machine Learning để nghiên cứu, đo lường hành vi của người dùng dựa trên thông tin nhân khẩu học, lịch sử mua sắm, tương tác để đề xuất những sản phẩm phù hợp. Người dùng có thể tương tác thực tế ảo với một số sản phẩm như thử màu son, soi chiếu da...
Nhìn lại hành trình 12 năm, lãnh đạo Lazada gọi đó là thời kỳ "xây móng" kéo dài với nhiều điều chỉnh, đổi mới trong hoạt động. Sau cột mốc EBITDA dương, Lazada khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mạnh tay để hướng đến những mục tiêu xa hơn. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào thị trường Đông Nam Á theo mô hình phát triển bền vững", ông James Dong nhấn mạnh.