Công nghệ

Laptop Huawei "dùng chip 5 nm do TSMC sản xuất"

Đầu tháng 12/2023, Huawei thu hút sự chú ý của giới công nghệ khi công bố laptop Qingyun L540 với chip Kirin 9006C hoạt động trên tiến trình 5 nm. Sự kiện ban đầu được đánh giá là bước tiến mới của Huawei trong cuộc chạy đua vi xử lý. Trước đó, vào tháng 8, Huawei cũng gây bất ngờ với điện thoại Mate 60 Pro dùng chip Kirin 9000s theo tiến trình 7 nm.

Tuy nhiên, nghiên cứu của TechInsights, công ty phân tích công nghệ có trụ sở tại Canada, công bố cuối tuần trước cho thấy chip 5 nm trên Qingyun L540 thực tế do TSMC sản xuất vào quý III/2020, trước khi Mỹ thắt chặt lệnh cấm khiến Huawei gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn cung linh kiện. Phát hiện này xóa bỏ tin đồn SMIC, đối tác thân cận tại Trung Quốc của Huawei, đã làm chủ công nghệ chip 5 nm và đang tiến đến quy trình 3 nm.

Theo Bloomberg, chưa rõ Huawei làm thế nào có lượng lớn bộ vi xử ba năm tuổi từ TSMC. Nhiều khả năng hãng âm thầm tích lũy từ trước, nhưng hiện mới đưa vào laptop. Thực tế, Mỹ đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại từ 2019, nhưng đến cuối 2020, công ty gia công chip Đài Loan mới ngừng nhận đơn đặt hàng của đối tác.

Cổ phiếu của SMIC giảm 2% sau thông tin trên. Đại diện Huawei và TSMC chưa có bình luận.

Laptop Qingyun L540 đang được chuyên gia của TechInsight nghiên cứu. Ảnh: TechInsight

Laptop Qingyun L540 được chuyên gia của TechInsights nghiên cứu. Ảnh: TechInsights

Trong lĩnh vực chip, nm (nanometer) là đơn vị đo kích thước bóng bán dẫn. Kích thước này càng nhỏ, vi xử lý càng chứa được nhiều bóng bán dẫn, từ đó có xu hướng đạt hiệu suất cao đồng thời tiết kiệm năng lượng hơn. Với chip tiến trình 7 nm trên smartphone Mate 60 Pro, Huawei đại diện cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc tự tạo các thế hệ vi xử lý hiện đại, thay thế sản phẩm của nhà cung cấp nước ngoài. Sự ủng hộ của người dùng trong nước cũng giúp họ đạt doanh thu kỷ lục 100 tỷ USD năm 2023, làm lung lay vị thế của Apple tại thị trường Trung Quốc.

Những năm qua, các công ty Trung Quốc tiếp tục đầu tư thêm hàng tỷ USD để phát triển chip ở tiến trình nhỏ như 5 và 3 nm. Dù vậy, quá trình này ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi cấm vận thương mại. Đầu tháng 1, chính phủ Hà Lan đã cấm ASML bán thiết bị gia công chip cho quốc gia tỷ dân, đồng thời thu hồi một phần giấy phép xuất khẩu hệ thống quang khắc DUV NXT:2050i và NXT:2100i. Trước đó, vào tháng 7/2023, Nhật Bản cũng quyết định kiểm soát việc bán thiết bị bán dẫn sang thị trường Trung Quốc, gồm cả các linh kiện liên quan đến công nghệ máy in thạch bán cực tím (EUV) tiên tiến.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm