Giải đáp nội dung này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết cần xem xét nội dung của di chúc theo từng trường hợp:
Trường hợp nhà, đất dùng vào việc thờ cúng
Trong di chúc nếu người để lại di sản thừa kế nêu rõ nhà, đất được sử dụng vào việc thờ cúng thì nhà, đất đó không được chia thừa kế, đồng thời người được chỉ định quản lý nhà đất đó không được chuyển nhượng, tặng cho…
Di chúc đất để dùng vào việc thờ cúng thì không được chuyển nhượng (ảnh minh hoạ)
Nội dung này được quy định rõ tại khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015:
“Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Bên cạnh đó, trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng (theo khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015).
Nghĩa là, toàn bộ di sản người chết để lại không đủ “trả nợ” thì nhà, đất phải được sử dụng vào để trả nợ cho dù nội dung di chúc ghi rõ là để sử dụng vào việc thờ cúng.
Nhà, đất không sử dụng vào việc thờ cúng
Cũng theo Luật sư Tuấn, trong di chúc người để lại di sản không nêu rõ nhà, đất sử dụng vào việc thờ cúng mà chỉ có ý nguyện không được chuyển nhượng, tặng cho thì khi đó chỉ thể hiện mong muốn, nguyện vọng của người để lại di sản.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, sau khi người để lại di sản chết thì người thừa kế có thể thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai (đây là thủ tục bắt buộc nếu phân chia di sản xong).
Thời hạn đăng ký biến động: Trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế phải đăng ký biến động (theo khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013).
Nghĩa là, việc chia và đăng ký thừa kế không nhất thiết phải thực hiện ngay sau khi người để lại di sản chết nhưng khi phân chia xong thì phải đăng ký biến động theo đúng quy định.
Thời điểm đăng ký đất đai khi thừa kế có hiệu lực: Để việc thừa kế hoàn tất cần phải thực hiện các thủ tục khác nhau như: Khai nhận di sản (nếu có), phân chia di sản, đăng ký biến động. Đồng thời pháp luật đất đai quy định rõ việc thừa kế có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính (quy định rõ tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013) như sau:
“Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
Khi sang tên xong thì người thừa kế là người sử dụng đất và được Nhà nước thừa nhận trong chứng thư pháp lý là Sổ đỏ, Sổ hồng. Một khi đã là người sử dụng đất thì sẽ có đầy đủ các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, để lại thừa kế, thế chấp…
"Tóm lại, trong di chúc không có quy định để di sản là nhà, đất sử dụng vào việc thờ cúng thì người thừa kế có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp và các quyền khác theo quy định pháp luật đất đai.
Cho dù người để lại di sản có mong muốn nhà đất được sử dụng vào thờ cúng và nói mong muốn đó cho tất cả các thành viên trong gia đình thì cũng không phải là căn cứ để ngăn cản, tước bỏ quyền của người thừa kế khi những người này trở thành người sử dụng đất (sang tên xong) nếu như không thể hiện trong di chúc", luật sư nói.