Với nhiều lao động xuất khẩu Việt Nam đang làm việc ở Nhật Bản, thời gian qua họ có cảm giác như nhìn tiền trôi mỗi ngày. Tiến thoái lưỡng nan, không biết nên gửi tiền về luôn hay chờ đồng Yên tăng giá lại để gửi thì tỷ lệ quy đổi sẽ có lợi hơn, tuy nhiên càng chờ thì đồng tiền này lại càng giảm sâu.
Tính với mức lương chính thức, không làm thêm là khoảng 150 ngàn Yên một tháng, từ đầu năm tới nay, đồng tiền Nhật Bản mất giá gần 25% thì thu nhập của mỗi lao động cũng giảm khoảng 8 triệu. Nếu trừ đi cả phí môi giới, sinh hoạt thì tiền để dành gửi về Việt Nam không còn lại bao nhiêu. Trao đổi với một số lao động xuất khẩu, họ cho biết cảm thấy “lỗ” nặng. Lúc trước cố gắng để sang Nhật nhưng giờ tiền gửi về không đủ để trả lãi tiền vay lúc đi.
Tính theo tỷ giá quy đổi, tiền lương của mỗi lao động giảm khoảng từ 7,5-9 triệu/tháng
Em Thắng sang Toyama, Nhật Bản làm thực tập sinh được hơn 1 năm nay. Hiện giờ gia đình ở quê của em còn nợ 80 triệu chi phí đưa em sang nước bạn lao động. Theo tính toán ngày trước, nếu dành dụm tích cóp tiền lương được 40 vạn Yên gửi về thì bố mẹ em sẽ trả hết nợ, tuy nhiên giờ con số này là 50 vạn Yên. Thắng cho biết một số anh chị em thực tập sinh và họ hàng ở quê đang kháo nhau chuyển hướng đi xuất khẩu sang Australia nhưng giờ em vẫn chưa tìm hiểu và vẫn muốn bám trụ ở đây.
Cuộc sống lại càng khó khăn hơn vì giá cả sinh hoạt tại Nhật cũng đang leo thang. Các lao động phải cùng nhau chia sẻ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt như chịu khó ở ghép đông hơn hay cùng nhau nấu nướng cho bớt tiền gas, điện, nước…Bên cạnh đó, với các du học sinh vừa học vừa làm, ảnh hưởng có thể được giảm bớt nhờ học phí giảm theo tỷ giá.
Nhiều lao động chán nản
Anh Lê Hùng, đại diện của HelloJob, một nền tảng về hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người lao động phổ thông, cho biết, tâm lý của nhiều lao động Việt ở Nhật hiện giờ khá chán nản. Tiền gửi về giảm mà phí chuyển vẫn cao. Trong khi đó, lạm phát ở Nhật tăng, nếu không biết cách co kéo thì tiền gửi về còn giảm nữa.
"Các bạn chuẩn bị đi thì cũng do dự, nhiều trường hợp sắp tới ngày bay thì lại hủy không đi nữa. Tuy nhiên vẫn có 1 bộ phận lớn người lao động thất nghiệp hoặc không có công ăn việc làm ổn định vẫn muốn đi, nhưng họ tham khảo nhiều bên chứ không chỉ chú trọng vào 1 loại hình là đi Nhật."
Theo HelloJob, nhiều lao động muốn đi xuất khẩu đang lo lắng về thị trường Nhật Bản
Theo anh Hùng, yếu tố giữ chân lao động tại thị trường Nhật hiện nay chính là quy mô thị trường lớn, nhiều cơ hội việc làm. Dù đồng Yên giảm nhưng mức lương tính ra vẫn cao hơn so với khi làm công nhân tại VN. Đi kèm với đó là nhiều chính sách đổi mới nhằm giữ chân lao động, du học sinh như chính sách chuyển việc gia hạn visa, từ 1-3 năm thành 3-5 năm. Có nhiều cơ hội ở thêm rồi gia hạn vĩnh viễn. Thủ tục đi Nhật nhìn chung dễ hơn đi Hàn Quốc, Châu Âu hay Úc. Chỉ có chi phí đi lại thì cao hơn đi Đài Loan.
Giải pháp nào hỗ trợ người lao động
Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ đã quyết định bán ra đồng USD để giúp chống đỡ sự mất giá của đồng nội tệ. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường hối đoái kể từ khủng hoảng tài chính châu Á. Mặc dù giá đồng Yên đã lập tức bật tăng nhưng theo nhiều chuyên gia, xu thế dài hạn vẫn khó thay đổi do những chính sách tiền tệ khác biệt giữa Mỹ và Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp và làm việc với ông Nakatani Gen, Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản. Nguồn: MOLISA.
Trong bối cảnh đó, trong cuộc hội đàm với Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản Nakatani Gen vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị phía Nhật Bản miễn thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam. Theo đó, việc đánh hai lần thuế khiến thu nhập còn lại của thực tập sinh rất thấp, khó đảm bảo được việc thu hút người lao động Việt Nam tham gia các chương trình của Nhật Bản.
Hiện, thuế thu nhập của Nhật Bản được tính theo luỹ tiến với 7 mức từ 5 đến 45% trong khi thuế cư trú là khoảng 10%. Nước này cũng không áp dụng 2 loại thuế trên với lao động của nhiều quốc gia khác.