Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố tăng lãi suất thêm 0,75 điểm%. Những thông điệp mà Chủ tịch FED - ông Powell đưa ra rạng sáng nay được giới phân tích đánh giá rằng cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì thái độ cứng rắn đối với lạm phát và không ngần ngại nâng lãi suất cho đến khi "bão giá" được kiểm soát. Việc này thường là không tốt cho thị trường cổ phiếu và hàng hóa.
Tuy nhiên, tại chương trình "Bí mật đồng tiền số 39: Nói…FED", phát sóng trên VTV Digital ngày 21/9, các chuyên gia đã chỉ ra một số ngành nghề và hàng hóa sẽ miễn nhiễm hoặc có thể có diễn biến tốt hơn trong bối cảnh lãi suất tăng.
Thị trường chứng khoán sẽ có những ngành nào đứng vững trong bối cảnh FED mạnh tay hơn với lạm phát?
Đối với ngành ngân hàng, theo ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán SSI, "nếu để nói tăng lãi suất của FED có thể ảnh hưởng ngay đến hệ thống ngân hàng thì tôi nghĩ là không vì chúng ta đã có sự chuẩn bị từ khá là lâu rồi. Hệ thống ngân hàng hiện nay đang chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác chứ không phải việc tăng lãi suất từ FED"
Ngành bán lẻ thì chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính chất nội địa trước, việc FED tăng lãi suất có thể sẽ tác động đến ngành bán lẻ trong dài hạn.
Về ngành dầu khí, một số doanh nghiệp trong ngành đã đi qua đỉnh lợi trong quý II khi giá dầu giảm trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, việc dầu tăng giá có thể sẽ mất một khoản thời gian để ảnh hưởng đến các chi phí dịch vụ của ngành. Vì lẽ đó, những công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí có đỉnh lợi nhuận sẽ đến chậm hơn.
"Thông thường người ta thường sẽ cho rằng giá dầu vào mùa đông sẽ tăng, nếu có giảm thì vào năm sau. Các cổ phiếu này có thể hưởng lợi thêm một thời gian nữa", ông Hưng nhận định.
Đối với ngành hóa chất, kinh tế trưởng của SSI đánh giá, lãi suất không ảnh hưởng quá nhiều đến nhóm này. Tuy nhiên, thường lãi suất sẽ đi ngược với hàng hóa. Giá hóa chất khó có thể quay về đỉnh cũ được.
"Ngành phân bón trong quý II cũng đã ghi nhận tăng trưởng khá cao. Quý III vẫn có thể tăng trưởng dương và việc yếu đi của doanh nghiệp phân bón có thể yếu đi từ quý IV", ông Hưng nhận định.
Chuyên gia cũng nói thêm, hiện tại cũng đã có một số thông tin về các biện pháp tự vệ thương mại đối với phân bón đã được ngừng lại. Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa đẩy mạnh xuất khẩu, vì thế ảnh hưởng từ việc này có thể chưa được nhìn thấy ngay. Đồng thời, một số loại hóa chất như phốt pho vẫn chưa được quốc gia láng giềng này xuất khẩu. Vì thế, một số doanh nghiệp hóa chất có thể hưởng lợi theo hướng này.
Về ngành thép, theo ông tác động của việc tăng lãi suất lên ngành thép cũng chỉ ở mức vừa phải. Bên cạnh đó giá thép đã giảm khá sâu so với các hàng hóa khác, khả năng tiếp tục đi xuống cũng sẽ ít đi. Tuy nhiên, nếu ngành bất động sản và xây dựng có những dự báo triển vọng không lạc quan thì ngành thép cũng sẽ chịu một số ảnh hưởng nhất định.
Về ngành nhựa, kinh tế trưởng SSI đánh giá, "Nhóm nhựa trả cổ tức khá là tốt. Về cổ tức thì nhóm này cũng là một nhóm đáng để nghiên cứu. Thường khi kinh tế kém đi, việc đầu tư vào các cổ phiếu cổ tức cao hoặc các cổ phiếu mà cổ tức chia cho thị giá lớn hơn lãi suất tiền gửi sẽ là những cổ phiếu thường được mọi người ưa chuộng"
Tuy nhiên, ông Hưng cũng lưu ý mặc dù ngành nhựa đã có những kết quả khả quan từ việc giá đầu vào giảm, song ngành này lại phụ thuộc rất nhiều vào ngành xây dựng và bất động sản, nếu hai ngành này diễn biến theo chiều hướng không tích cực thì ngành nhựa cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng.
Hàng hóa nào sẽ đứng vững khi FED tăng lãi suất?
Một diễn giả khác tại chương trình là ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia phân tích tại Công ty Đầu tư Quốc tế Hữu nghị cũng chia sẻ, thị trường hàng hóa rất nhạy với lãi suất vì nó liên quan đến chi phí vốn, tồn kho, chi phí phòng hộ,… Khi lãi suất tăng cao, khá nhiều nhóm hàng sẽ bị tác động, đặc biệt là các hàng hóa sử dụng yếu tố đầu vào nhập khẩu.
"Trong lịch sử thì các mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các thông tin liên quan đến chính sách tiền tệ thì có dầu và các kim loại quý. Đây sẽ là 2 mặt hàng chịu nhiều tác động bởi các yếu tố chính trị và tiền tệ. Với phiên họp FED lần này, dầu sẽ có một nhịp điều chỉnh trước khi đi về một vùng giá cân bằng. Đối với cuộc họp FED lần này có một số mặt hàng miễn nhiễm, bởi bản chất của nó đang bị ảnh hưởng bởi cung cầu và cuộc xung đột địa chính trị Nga - Ukraine đang là yếu tố chính chi phối nó. Một số mặt hàng có thể kể đến như khí đốt, nông sản", ông Tuấn đánh giá.
Chuyên gia cũng nói thêm, mặc dù là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam hiện nhập khẩu rất nhiều ngô, đậu tương, khô đậu… để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc các mặt hàng nông sản giảm giá sẽ khiến cho ngành này có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu về lợn sẽ rất lớn, giá bán lẻ các loại cám, thực phẩm vi sinh, vi lượng,…theo đà đó cũng sẽ tăng lên. Có thể tiết giảm chi phí đầu vào trong khi đầu ra tăng giá, ngành thức ăn chăn nuôi cũng sẽ nhận được những tác động khá tích cực.