Mưa lớn trút xuống nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung. Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (22/9), ở khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Lượng mưa tính từ 7h đến 15h ngày 22/9 có nơi trên 60mm như: Vĩnh Kim (Quảng Trị) 97.2mm, Cát Minh (Bình Định) 176.8mm, Mê Pu (Bình Thuận) 97.2mm, Tân Cảnh (Kon Tum) 65.0mm, Cư San (Đắk Lắk ) 78.2mm, Mỹ Phước (Kiên Giang) 76.0mm…
Dự báo, từ chiều tối nay (22/9) đến ngày 24/9, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sẽ bước vào đợt mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Từ đêm nay (22/9) đến ngày 25/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 4-6m, hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 60-120mm, có nơi trên 150mm; khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và đêm nay có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 100m. Mưa ở các khu vực này còn kéo dài nhiều ngày tới (thời gian mưa lớn tập trung chiều tối và đêm.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra công điện yêu cầu các tỉnh từ Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin, kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân; tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Rà soát các phương án ứng phó với các tình huống mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn để sẵn sàng triển khai thực hiện khi xảy ra tình huống; lưu ý các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân ở các khu vực nguy cơ cao, ở hạ du hồ chứa, an toàn đê điều, hồ đập, giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở.