Thời sự

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên

Đường đua F1 Mỹ Đình chính thức khởi công ngày 20/3/2019, được nhà thầu hoàn công các hạng mục chính vào cuối tháng 3/2020.

Ngày 21/9/2022, đường đua F1 Mỹ Đình mở cửa lần đầu tiên nhân sự kiện Lễ hội lái thử xe Mercedes-Benz 2022 dành cho khoảng 500 khách hàng và giới truyền thông.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 1

Tòa nhà điều hành Pit dài 300 m - công trình trung tâm của đường đua F1 Hà Nội được thi công bởi Tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Dọc hai bên đường là các khán đài lắp ghép với sức chứa hàng vạn người, nay đã tháo dỡ

Cách đây 2 năm rưỡi, công trình này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, do là nơi dự kiến sẽ diễn ra giải đua F1 lần đầu tổ chức tại Việt Nam.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 2

Địa điểm này là mặt chính tòa nhà cũng là điểm xuất phát, mỗi khoang cửa là trung tâm kỹ thuật của một đội đua

Theo thiết kế, đường đua Mỹ Đình dài 5,565km gồm 22 góc cua, kết hợp từ tốc độ cao tới trung bình cùng đoạn đường thẳng dài.

Đây là đoạn đường thẳng chính dài tới 1,5km, nơi tốc độ xe đua có thể được đẩy tới 335km/h.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 3

Từ khán đài chính, người xem có thể nhìn thấy dòng chữ "Vietnam" trên mặt đường, đoạn chạy thẳng qua mặt tòa nhà PIT

Cách đây 2 năm, đơn vị thi công phần mặt đường là một liên danh nhà thầu Việt Nam, chỉ trong khoảng 1 năm đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng và thi công hạng mục mặt đường theo tiêu chuẩn rất cao.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 4

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, mặt đường chưa khai thác nên vẫn còn nguyên độ mịn như cách đây hơn 2 năm, thậm chí lớp áo phủ mặt đường vẫn còn màu đen của vật liệu nhựa đường

Mẫu của lớp nhựa này được gửi tới các phòng thí nghiệm tại Singapore và Đức để thử nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về độ ma sát và độ mịn để khi những chiếc xe đua đạt tốc độ 335 km/h mặt đường sẽ không bị bắn đất đá lên.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 5

Phía sau tòa nhà PIT, theo thiết kế là khu vực hậu cần đội đua, mặt đường mịn chắc và được trải thảm liền mạch trên một diện tích hàng nghìn mét vuông

Theo đơn vị tổng thầu, các đoạn đường đều được trải 3 lớp nhựa asphalt đặc chủng được sản xuất chuyên biệt.

Tại thời điểm tháng 9/2022, chất lượng mặt đường chưa có dấu hiệu xuống cấp, các vệt sơn vẫn còn nguyên vẹn - khá rõ nét như cách đây hơn 2 năm.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 6

Vị trí một khúc cua của đường đua F1, nơi theo vạch sơn màu trắng sẽ là nơi các tay đua thực hiện "cua tay áo" về bên trái

Đoạn này áp dụng thiết kế điển hình "S-Curves" của đường đua Suzuka (Nhật Bản), hàng loạt cú bẻ cua trái, phải với tốc độ cao sẽ khiến nhiều tay đua nghiệp dư có thể chóng mặt, thậm chí văng ra lề.

Nơi đây, khi vào giải sẽ được lắp đặt các dàn lốp giảm chấn để tránh xe bị văng xa lật nhào khi tay đua mất lái.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 7

Đoạn đường thẳng chạy qua mặt tiền tòa nhà PIT, mặt đường đáp ứng được tốc độ 330km/h, tương đương tốc độ máy bay phản lực dân dụng hạng trung cất cánh.

Trong năm 2020, các chuyên gia của giải đua F1 cũng như giám sát giải đua F1 Charlie Whiting đã nhiều lần đến Hà Nội và kiểm tra thực tế đường đua.

Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) cũng đã cấp chứng chỉ hạng 1 - cấp cao nhất được cấp với một đường đua F1 - cho đường đua Mỹ Đình.

Đường đua F1 Mỹ Đình sau hơn 2 năm bị lãng quên - 8

FIA khẳng định đường đua Mỹ Đình đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật giải đua F1

Việc giải đua F1 không thể tổ chức tại Hà Nội đã để lại nhiều sự tiếc nuối khi lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong 22 quốc gia đăng cai tổ chức giải đua ô tô chuyên nghiệp nhất hành tinh.

Việc khai thác đường đua F1 Mỹ Đình hiện là bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý, gồm UBND TP. Hà Nội, Bộ VHTTDL và chủ đầu tư là Công ty VGPC, bởi hạ tầng này vẫn đáp ứng yêu cầu tổ chức cái giải đua xe thể thao đẳng cấp cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm