Chứng khoán

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sang tay hàng triệu cổ phiếu

Quyền tổng giám đốc và 7 phó tổng giám đốc của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã đăng ký bán tổng cộng 22 triệu cổ phiếu SSB trên 24 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, dự kiến hoàn tất trong hai tháng cuối năm. Hầu hết lãnh đạo này sẽ chỉ giữ lại khoảng 5-10% cổ phiếu đang sở hữu.

Ông Trần Sỹ Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã bán toàn bộ hơn 1,1 triệu cổ phiếu (0,14%) trong phiên 10/11. Từ tháng 7 đến nay, nhiều lãnh đạo khác của SHS cũng thoái toàn bộ hoặc phần lớn lượng cổ phần sở hữu với cùng mục đích "đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân".

Trong nhóm sản xuất, với mục đích đầu tư, bà Đỗ Thị Nguyệt và bà Đỗ Nhung, chị và em gái của Chủ tịch Thép Pomina Đỗ Duy Thái đăng ký bán tổng cộng hơn 10 triệu cổ phiếu POM trong hai tháng 11 và 12. Trước đó, giai đoạn tháng 8-10, bà Nhung đã đăng ký bán cổ phiếu nhưng bất thành do giá không đạt kỳ vọng.

Ông Nguyễn Tấn Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Hải (JOS) đã đăng ký bán thỏa thuận gần 3,7 triệu cổ phiếu JOS (24% vốn điều lệ công ty), từ ngày 21/11 đến 13/12.

Với các quỹ đầu tư, Arisaig Asian Fund Limited - thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) - vừa bán 114.000 cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động trong phiên 10/11. Động thái nối tiếp đà bán ra cổ phiếu liên tục của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này.

Ngược lại, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đăng ký mua vào cổ phiếu với quy mô lớn. Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank vừa đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu, từ ngày 24/11 đến 23/12. Động thái mới đưa ra sau khi hai cổ đông khác của Petrosetco đã đăng ký bán ra hàng triệu cổ phiếu. Tổng giám đốc Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cũng mới đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu từ nay đến 15/12, sau khi mua bất thành vào tháng 10 do giá không như kỳ vọng.

Theo trưởng phòng tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán tại Hà Nội, việc các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm tài chính - ngân hàng, đồng loạt đăng ký bán có thể do lượng cổ phiếu này vừa hết thời gian hạn chế giao dịch. Những doanh nghiệp lớn trong nhóm tài chính thường có chính sách phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) định kỳ hàng năm. Lượng cổ phiếu này thường bị hạn chế giao dịch trong năm đầu và mở khóa từng phần những năm tiếp theo.

"ESOP cũng là một phần lợi ích của người lao động, và lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần hiện thực hóa lợi nhuận khi thời gian hạn chế qua đi", chuyên gia này cho biết.

Trong khi đó, với một số giao dịch khác, động thái bán ra có thể do thay đổi kỳ vọng, có cơ hội đầu tư mới hoặc đánh giá triển vọng của ngành, doanh nghiệp, không như trước.

Động thái thoái vốn của người thân Chủ tịch Thép Pomina diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu POM đã giảm hơn 42% từ đỉnh giữa tháng 7, sau khi công ty này công bố kết quả kinh doanh tiếp tục sụt giảm.

Việc thoái vốn tại Thế Giới Di Động của cổ đông ngoại cũng đi cùng với đà giảm về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp top đầu nhóm bán lẻ. Quý III, doanh nghiệp này lãi sau thuế 39 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Lấy lợi nhuận của một quý bất kỳ từ khi doanh nghiệp công bố thông tin vào quý III/2013 đến năm 2022, đều có được con số cao hơn tổng lợi nhuận lũy kế trong ba quý năm nay.

Trong buổi họp với nhà đầu tư thông tin kết quả kinh doanh quý III, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG, cho rằng việc khối ngoại rời đi và giá cổ phiếu giảm sâu có thể xem như một cơ hội, vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua thời điểm khó khăn, thách thức lòng tin của nhà đầu tư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm