Công nghệ

Lằn ranh khi là nhân viên Apple, Google kiêm TikToker

Một ngày làm việc của nhân viên LinkedIn có cả việc đắp mặt nạ để "chăm sóc bản thân một chút". Một ngày của nhân viên Google mở đầu bằng đi tàu điện đến chỗ làm, ngắm cảnh trên sân thượng, chơi với chó và gặp gỡ đồng nghiệp.

Đây là những video về các "tech girlie" (cô gái công nghệ) trên TikTok. Chủ đề chủ yếu nói về phong cách sống của nữ giới làm trong những công ty công nghệ nổi tiếng. Nhiều nhân viên trong các Big Tech đã tạo được dấu ấn cá nhân thông qua những video thường nhật này. Điểm chung là nhạc nền vui tươi, cảnh quay nhanh về cuộc họp, phòng làm việc theo chủ đề và ngăn kéo đựng đồ ăn nhẹ.

Phản ứng của cộng đồng cũng rất phong phú. Người ngưỡng mộ, nhưng cũng có người xem thường vì cho rằng kiểu vừa làm vừa chơi này không hiệu quả. Phần bình luận thường xuất hiện câu hỏi: "Công ty bạn có tuyển dụng nữa không?".

Nhiều nhân viên công ty công nghệ chia sẻ các hoạt động hàng ngày ở công ty. Ảnh: The Verge

Nhiều nhân viên công ty công nghệ chia sẻ các hoạt động hàng ngày ở công ty. Ảnh: The Verge

Các "ngôi sao công nghệ" trên TikTok thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, The Verge cho biết những người này đang gặp rắc rối với nhân sự. Họ bị cảnh cáo, thậm chí đuổi việc vì cho rằng các video gây ảnh hưởng đến tâm lý đi làm của những nhân viên khác trong công ty. Một số thậm chí mạo hiểm về việc sẽ tiết lộ những điều các công ty luôn muốn thế giới không bao giờ biết.

Chloe Shih, nhà sáng tạo nội dung từng làm việc tại Meta, Google và đang là giám đốc sản phẩm tại Discord cho biết các TikToker phải cân bằng giữa việc xây dựng thương hiệu cá nhân với tự do ngôn luận. Khi tuyển dụng, họ đã được ràng buộc bởi các hợp đồng với nhân sự.

Một số công ty công nghệ lớn quy định nghiêm ngặt việc cấm quay phim hành lang. Số khác hạn chế quay phim tại bàn làm việc... nhưng nhiều người vẫn vi phạm và bị cảnh cáo. Một số người "hồn nhiên" quay lại các chuyến tham quan văn phòng theo đề nghị của người hâm mộ khiến quản lý các công ty bức xức.

Lucy Anthony, cố vấn cao cấp về việc làm tại Discord, cho biết nhiều công ty muốn giữ bí mật, kể cả không gian làm việc, nhưng cũng nhiều nơi cổ vũ nhân viên chia sẻ về hình ảnh công ty. Tuy nhiên, các tổ chức đều có những quy định về việc giữ bí mật thông tin nội bộ

Michelle Serna, từng làm tại công ty công nghệ sức khỏe Visionable, không bao giờ tiết lộ tên sếp mình trên TikTok. Thay vào đó, cô nói về kinh nghiệm và trải nghiệm độc đáo trong lĩnh vực. Vào tháng 8, cô tải lên TikTok một video ngắn, trong đó lẫn tiếng một cuộc họp của công ty ở phòng khác. Video đã được xóa nhưng Serna cũng bị sa thải ngay hôm sau.

Serna cho biết cô chưa bao giờ được cảnh báo về sự hiện diện trên TikTok của mình. Cô thừa nhận việc quay video đó là một sai lầm, nhưng cho biết các công ty cũ của cô gần như không trang bị cho nhân viên kỹ năng mềm khi có lượng người theo dõi lớn trên Internet. Serna cũng nhận được các tin nhắn từ nhiều TikToker đang làm việc trong Big Tech, tỏ ra lo ngại về cách xử lý của công ty cô và sợ mình có thể là nạn nhân tiếp theo.

Hồi tháng 4, Nylah Boone đăng video đầu tiên trên kênh TikTok kể về ngày thứ nhất làm việc tại Apple, với cảnh quay về con đường đi làm, quầy bánh ngọt, bữa trưa với đồng nghiệp. Video đã thu về gần 400.000 lượt xem, với hàng trăm bình luận yêu cầu cô tư vấn nghề nghiệp, hỏi về công việc cũng như thói quen hàng ngày của cô. Một tháng sau, Boone nhận được thông báo hợp đồng của cô không được gia hạn.

Gần đây nhất, hôm 5/9, Tony Blevins, Phó chủ tịch cấp cao của Apple, gặp rắc rối khi xuất hiện trong một video dài 25 giây trên TikTok. Nhiều người cho rằng ông đã có những lời lẽ không đúng mực với phụ nữ. Apple sau đó mở một cuộc điều tra. Dù không có thông báo chính thức, nhiều nhân viên của công ty sau đó xác nhận Blevins không còn là "sếp" của họ.

Apple không bình luận về trường hợp trên. Tương tự, Google cũng không đưa ra nhận định nào liên quan đến nhân viên của mình trên TikTok. Trong khi đó, phát ngôn viên của LinkedIn khẳng định họ có những quy tắc nội bộ nghiêm ngặt áp dụng cho tất cả nhân viên.

Theo các chuyên gia, các startup thường khuyến khích nhân viên chia sẻ nhiều hơn về môi trường làm việc, miễn mọi thứ trong phạm vi quy định. Ngược lại, các công ty lớn nghiêm khắc hơn trong quản lý. Nhiều người thậm chí không nhận được cảnh báo nhưng vẫn trực tiếp bị sa thải sau khi chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến công ty lên TikTok.

(theo The Verge)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm