Phân tích báo cáo tài chính là một trong những bước cơ bản khi bước chân vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, không phải báo cáo tài chính của doanh nghiệp nào cũng minh bạch và chính xác. Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp đánh cược uy tín của họ để xào "số" nấu "khoản mục" trên báo cáo nhằm vào những mục đích tư.
Chia sẻ trong Chương trình Bí mật đồng tiền số 13 phát sóng trên VTV Digital với chủ đề "Thủ thuật xào nấu’’, chuyên gia Phạm Lưu Hưng (Mr. X30) - Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI nhận định để tạo ra được bản báo cáo tài chính "đẹp" thì doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều công sức để "xào nấu".
Theo vị chuyên gia, những khoản phải thu của nhiều doanh nghiệp tăng cao có thể do book luôn khoản thu từ hóa đơn bán hàng trong khi chưa ghi nhận thực tế. Sang đến quý sau, khi khoản thu đó không thực hiện được thì doanh nghiệp có thể thua lỗ, thậm chí phá sản dù quý trước vẫn ghi nhận lợi nhuận.
Về câu chuyện định giá tài sản, vị chuyên gia đưa ra ví dụ có doanh nghiệp sở hữu khoản hàng tồn kho trên báo cáo tài chính lên tới 5.000 tỷ đồng, song thực tế chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên để nhận biết rất khó, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư cá nhân vì không thể trực tiếp khảo sát, thống kê số lượng.
Bàn về những mục dễ bị "xào nấu" nhất trên báo cáo tài chính, ông Đỗ Thái Hưng – Giám đốc CTCP Đầu tư Finpros cho rằng là khoản mục liên quan đến doanh thu và giá vốn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần chú ý khoản doanh thu từ hoạt động tài chính cũng là một cách "hack" lợi nhuận dễ dàng cho doanh nghiệp.
Để "đánh hơi" được những doanh nghiệp đã "chế biến" các khoản mục trên, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng rất khó đoán định, bởi nó phụ thuộc nhiều vào sức tưởng tượng và trí thông minh của người làm kế toán trong doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà đầu tư cá nhân thì thường không có nguồn lực để kiểm chứng thông tin.
"Trong trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ về tính minh bạch của doanh nghiệp thì nhà đầu tư nên bỏ qua. Các bạn không nên tiếc bởi cơ hội đầu tư thì vô vàn, không doanh nghiệp này thì doanh nghiệp khác, chỉ có mất tiền mới là mất thật", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.
BTV Hoàng Nam cũng cho rằng khi nhìn lợi nhuận doanh nghiệp thì cần nhìn chất lượng lợi nhuận chứ không đơn thuần chỉ nhìn con số. Đưa ra ví dụ cụ thể với Báo cáo tài chính quý 4/2021 của DIG, lợi nhuận có thể lên tới 60%, song nếu nhà đầu tư chú ý có thể thấy khoản lợi nhuận khác của doanh nghiệp lên đến 786 tỷ đồng, tăng khá mạnh trong khi hoạt động kinh doanh chính không thực sự khởi sắc.
"Do đó, khi nhìn vào báo cáo tài chính mọi người cần chú ý lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh chính hay các khoản khác. Bởi nguồn thu chính của nhiều doanh nghiệp chủ yếu là đầu tư chứng khoán, song đó là thời điểm thị trường thuận lợi. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó kiếm lời như năm nay, nếu hoạt động chính không cải thiện thì doanh nghiệp rất khó thu lợi nhuận", MC Hoàng Nam chia sẻ.
"Bí mật đồng tiền" là talkshow mang đến những câu chuyện đầu tư "hot" nhất hiện nay, được các chuyên gia chứng khoán - tài chính hàng đầu phân tích bằng những quan điểm đầu tư bài bản và mới lạ, giống như chiếc "la bàn" giúp các nhà đầu tư hiểu rõ "luật chơi" của thị trường, tránh được những cái "bẫy" thường gặp và thành công trên hành trình đầu tư.
Talkshow được dẫn dắt bởi Host Dương Ngọc Trinh, biên tập viên có kinh nghiệm hơn 15 năm dẫn dắt các chương trình tài chính - kinh doanh của Việt Nam.
"Bí mật đồng tiền" phát livestream vào 11h20, thứ Tư hàng tuần trên 5 nền tảng của VTV Digital:
Báo điện tử VTV: www.vtv.vn
Fanpage Báo điện tử VTV: www.facebook.com/baodientuvtv
Fanpage VTV24 Money: www.facebook.com/vtv24money
Fanpage Trung tâm Tin tức VTV24: www.facebook.com/tintucvtv24
Youtube VTV24: www.youtube.com/c/vtv24