Đáng lưu ý trong diễn biến lạm phát 4 tháng đầu năm là giá lương thực thực phẩm chưa tăng, nhưng người dân đang chi tiêu dè chừng hơn, vì thu nhập của nhiều người giảm do tình trạng thiếu việc, mất việc, thất nghiệp tăng đáng kể.
Lạm phát 4 tháng tăng do đâu?
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm nay tăng 3,93%, riêng trong tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân lạm phát tăng là do giá nhà ở và vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, cát, giá thuê nhà ở) tăng tới 5,54%, làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,84%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% cũng đẩy lạm phát 4 tháng đầu năm nay tăng.
Riêng trong tháng 4, lạm phát tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân được cơ quan thống kê chỉ ra do các nhóm hàng hóa dịch vụ như giao thông tăng 1,95% (tăng theo giá nhiên liệu xăng dầu tăng); nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%; hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,27%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,21% (tăng theo giá xăng dầu, điện tăng).
Tổng cục Thống kê đánh giá tín hiệu tích cực với kiểm soát lạm phát hiện nay là nhóm lương thực thực phẩm chiếm khoảng 25% tỉ trọng rổ hàng hóa, nhưng lạm phát đang có xu hướng giảm.
Trong tháng 4-2024, giá lương thực giảm 0,63%, trong đó gạo - mặt hàng chủ lực - giảm 0,76% so với tháng trước, giá gạo tẻ thường phổ biến từ 14.900 - 18.700 đồng/kg, mặc dù các mặt hàng lương thực chế biến như bánh mì tăng 0,32%, bún, bánh phở, bánh đa tăng 0,16%, mì sợi, cháo ăn liền tăng 0,12%, so với tháng trước.
Cột 1 | |
---|---|
Tháng 4-2023 | 2,81 |
Tháng 5-2023 | 2,43 |
Tháng 6-2023 | 2 |
Tháng 7-2023 | 2,06 |
Tháng 8-2023 | 2,96 |
Tháng 9-2023 | 3,66 |
Tháng 10-2023 | 3,2 |
Tháng 11-2023 | 3,45 |
Tháng 12-2023 | 3,58 |
Tháng 1-2024 | 3,37 |
Tháng 2-2024 | 3,98 |
Tháng 3-2024 | 3,97 |
Tháng 4-2024 | 4,4 |
Cẩn thận cú kích hoạt từ tăng giá điện, xăng dầu
Theo một số chuyên gia kinh tế, nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng mạnh từ nay đến cuối năm là xăng dầu, điện tăng giá.
Đây là hai nhiên liệu đầu vào cho hầu hết ngành sản xuất, hai mặt hàng này tăng giá có thể đẩy giá cả hầu hết các mặt hàng tăng lên, đặc biệt là hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu.
Hiện EVN đang đề xuất cho nới quyền tự quyết tăng giá điện dưới 5% lên mức dưới 10%, điều này cũng dẫn tới khả năng giá điện có thể được điều chỉnh tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nói: "Điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng, có tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát. Chỉ số giá điện sinh hoạt cứ tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI chung của nền kinh tế tăng thêm 0,33 điểm phần trăm".
Trong năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể sẽ tiếp tục các đợt tăng giá điện để đảm bảo phản ánh biến động các chi phí đầu vào của sản xuất điện, đồng thời hiện tượng thời tiết cực đoan và dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng, nên khó tránh khỏi việc EVN tăng giá điện.
Giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có thể kéo giá các hàng hóa khác tăng lên trong những tháng tới, bà Oanh cho biết thêm.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho rằng giá điện chắc chắn sẽ điều chỉnh tăng, khi đó sẽ tác động trực tiếp đến tiêu dùng của dân cư, người dân có thể bớt ăn, bớt tiêu nhưng khó bớt sử dụng điện cho các nhu cầu cơ bản của gia đình.
Lo ngại lớn nhất trong kiểm soát lạm phát hiện nay là giá điện tăng, tăng giá điện sẽ tác động mạnh tới tiêu dùng và tăng chi phí sản xuất, làm giá thành sản phẩm tăng đều, ông Lâm nhấn mạnh.
Còn về hiệu ứng giá cả tăng theo hiệu ứng tăng lương cơ bản từ 1-7 tới, ông Lâm cho rằng: "Việc tăng lương sẽ kéo theo việc tăng một số mặt hàng tiêu dùng, phí giao thông, đây là kỳ vọng tăng giá. Nhưng kỳ vọng tăng giá hiện nay không mạnh vì đời sống người dân còn khó khăn, người dân dè chừng trong chi tiêu".
Mặt khác, với những người có thu nhập chính từ làm công ăn lương thì mức lương tăng sắp tới cũng không đáng bao nhiêu, ông Lâm cho biết thêm.
Hà Nội: Lương thực, thực phẩm chưa biến động mạnh nhưng người dân chi tiêu dè chừng hơn
Theo ghi nhận ngày 6-5 của Tuổi Trẻ Online thì giá lương thực thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội không biến động nhiều từ đầu năm đến nay. So với dịp đầu năm thì giá nhiều mặt hàng rau, củ quả, thịt heo có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ.
Theo Tổng cục Thống kê, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý 1 năm nay khoảng 933.000 người, tăng 26.400 người so với quý trước và tăng 47.200 người so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 khoảng 1,05 triệu người, tăng 5.400 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm 2024 là 2,24%.