2 năm trước, gia đình Thu Hiền chốt mua một căn chung cư 2 phòng ngủ ở Hà Nội. Sau khi nhận nhà, vợ chồng cô không dọn vào ở ngay, mà đã đầu tư khoảng 100 triệu để thiết kế lại toàn bộ nội thất theo đúng nhu cầu và mong muốn.
Sau khi hoàn thành quá trình sửa nhà ấy, Thu Hiền đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm bổ ích, chỉ những người đã cải tạo chung cư mới biết, bạn gần như chẳng thể tìm được ở trên mạng hay nghe được từ các bên tư vấn thi công.
Giờ thì cùng tìm hiểu xem những kinh nghiệm đắt giá mà Thu Hiền đã chia sẻ là gì nhé!
1 - Không phải cứ là nhà của mình là được phép tùy ý sửa sang
Đây là điều rất cơ bản, tuy nhiên không phải ai cũng biết. Với nhà chung cư, trước khi tiến hành thi công sửa nhà, bạn phải làm đơn xin Ban Quản Lý (BQL) chung cư chấp thuận các hạng mục sửa chữa. Mỗi ngày, việc thi công chỉ được diễn ra trong một khung giờ nhất định, tùy vào quy định của từng khu chung cư. Việc này để tránh làm ảnh hưởng tới các hộ cư dân khác.
Đặc biệt, trước khi tiến hành thi công, bạn sẽ phải cọc cho BQL chung cư một khoản tiền. Nếu không có vấn đề gì phát sinh, bạn sẽ được nhận lại số tiền này sau khi hoàn tất quá trình thi công.
2 - Bắt buộc phải hỏi chủ cũ về bản vẽ hoàn công căn hộ
Ngay cả khi không có ý định sửa sang lại căn hộ trước khi vào ở, bạn vẫn nên yêu cầu chủ cũ bàn giao bản vẽ hoàn công căn hộ. Vì phải có bản vẽ này, thợ mới biết khoan, đục chính xác, không đi nhầm vào ống nước, mạnh điện.
3 - Không thể không thiết kế thêm ổ điện
Thu Hiền cho biết sửa lại toàn bộ không gian trong nhà đồng nghĩa với việc vị trí ổ điện có thể cũng thay đổi, thậm chí một vài ổ điện còn bị bịt hẳn đi. Bởi thế, hãy nói bên thiết kế giúp bạn thiết kế thêm nhiều ổ điện ở các vị trí cần thiết như khu vực bếp, đầu giường, cạnh và đối diện sofa,...
4 - Không nên nói với bên thiết kế ngân sách sửa nhà
Đương nhiên, đã thuê đơn vị thiết kế thì chắc chắn bạn không thể không dự trù ngân sách cho việc này từ trước. Tuy nhiên, Thu Hiền khuyên bạn không nên nói với bên thi công mức ngân sách của gia đình vào buổi trao đổi đầu tiên. Tất cả những gì bạn nên làm là nói với họ mong muốn, ý tưởng của bạn và chờ họ đưa ra phương án. Tiền bạc sẽ trao đổi sau khi hai bên chốt được phương án thiết kế.
"Các công ty thiết kế có thể vẽ cho chúng ta các bản thiết kế ở bất kỳ mức giá nào, nhưng chất lượng đến đâu thì phải vào ở mới biết. Vì thế, việc tìm công ty thiết kế có tâm rất quan trọng. Trong lúc làm sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, lúc đó bạn đã cọc tiền và thanh toán 1 phần chi phí nên phải theo đến cùng"- Thu Hiền chia sẻ.
5 - Không nên thiết kế giá sách ngay trên đầu giường
Tiện thì có tiện, đẹp cũng có đẹp nhưng nhược điểm của thiết kế này chính là từng hộc sách sẽ rất dễ bám bụi, đồng nghĩa với việc tốn công lau chùi.
6 - Ưu tiên tủ kịch trần
Để vừa tối ưu diện tích cất giữ đồ đạc, vừa đỡ tốn công bắc thang lau bụi trên trần tủ.
7 - Không nên mua quá nhiều đồ decor
Việc mua quá nhiều đồ decor không chỉ gây tốn tiền, mà còn khiến bạn không có đủ không gian để tích trữ nếu chẳng may không dùng tới. Bởi thế, Thu Hiền khuyên bạn rằng trước khi mua bất kỳ món đồ nào về nhà, phải nghĩ xem sẽ đặt chúng ở vị trí nào và việc ấy có cần thiết hay không. Đừng mua chỉ vì đang lướt mạng mà thấy "ồ món này xinh quá", rất có thể bạn sẽ hối hận đấy!
8 - Cần quan tâm tới yếu tố phong thủy
Vị trí đặt ban thờ là yếu tố rất quan trọng, không thể "cứ làm cho xong" mà không tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, kinh nghiệm.