Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa tăng hơn 5 điểm rồi dần rung lắc khi tiệm cận vùng đỉnh cũ 1.250 điểm. VN-Index giữ sắc xanh đến cuối phiên sáng.
Sang nửa đầu buổi chiều là đà đi dưới 1.245 điểm, chỉ số này sau đó được hỗ trợ bởi lực cầu xuất hiện cuối phiên. VN-Index có lúc kiểm tra vùng 1.250 điểm nhưng bất thành. Chốt phiên, chỉ số của sàn TP HCM tăng hơn 7 điểm, lên khoảng 1.248,6 điểm.
Toàn sàn HoSE có 251 cổ phiếu tăng giá, nhiều hơn gần một nửa so với 178 cổ phiếu giảm. Riêng rổ VN30 có 16 mã xanh, trong đó nổi bật có PLX và VJC, giúp chỉ số đại diện tích lũy hơn 10 điểm.
Thị trường tiếp tục cải thiện chủ yếu bởi đà tăng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tập trung ở nhóm du lịch - giải trí, viễn thông, công nghệ, tài nguyên và dầu khí. Trong khi ở nhóm vốn hóa lớn không xuất hiện ngành nào có chỉ số chung nổi bật mà chỉ một vài cổ phiếu riêng lẻ. Các mã HPG, FPT, VNM, GAS đóng góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bốn mã BID, CTG, TCB và MBB dẫn đầu top góp mức giảm lớn nhất cho chỉ số chung. Tuy nhiên nhìn chung các cổ phiếu ngân hàng mất giá không quá sâu, quanh 1% so với tham chiếu.
Thanh khoản hôm nay giảm gần 2.500 tỷ về hơn 18.400 tỷ đồng. Nhưng đây vẫn là mức cao thứ nhì trong chuỗi 5 phiên VN-Index cải thiện điểm số. Bên cạnh đó, thị trường TP HCM ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp, khối ngoại ưu tiên gom hàng với biên độ 120 tỷ đồng. Nhóm này mua ròng hàng trăm tỷ ở các mã HPG, MWG và VNM.
Như vậy, sau 5 phiên cải thiện liên tiếp, VN-Index đang trở lại vùng giá trước phiên "sập" gần 60 điểm hồi giữa tháng 4. Thông thường khi tiếp cận các ngưỡng kháng cự trung hạn, thị trường dễ có khả năng xuất hiện rung lắc. Các công ty chứng khoán đều khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát kỹ lưỡng trước khi thực hiện giải ngân ngắn hạn. Tuy nhiên nhìn chung, các nhóm phân tích đều cho rằng thị trường đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn.