Mới đây, chuỗi cà phê Highlands Coffee đã thông báo về việc điều chỉnh giá sản phẩm. Trong đó, để có thể giữ vững và thậm chí nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm trước tình hình biến động thị trường hiện nay, Highlands Coffee quyết định điều chỉnh giá bán các sản phẩm.
Được biết, giá mới áp dụng tại khu vực Tp.HCM và Hà Nội từ ngày 27/6/2022. Và từ 1/7/2022, tất cả cửa hàng Highlands Coffee trên toàn quốc, bao gồm các app đặt hàng, sẽ áp dụng giá mới.
Là thương hiệu phổ biến với tín đồ cà phê Việt Nam, việc tăng giá của Highlands trước biến động giá cả gây nhiều chú ý. Có vẻ, lạm phát, thể hiện là sự tăng giá, đã đến ly cà phê hàng ngày trong bối cảnh giá cả lần lượt nâng lên.
Chúng tôi đã có trao đổi một vòng với các thương hiệu phổ biến về vấn đề này.
"Đầu vào bao gồm cà phê tăng 25%, mặt bằng tăng 10-20%, các loại như ly, bịch, ống hút cũng tăng giá từ 10-20%..."
Trong đó, cùng phân khúc là giới văn phòng chuận cà phê hay dành cho nhóm các bạn trẻ, sinh viên tụ tập học nhóm, CEO chuỗi Laha Café, ông Hoàng Việt cho biết: "Nguyên nhân tăng giá các chuỗi đồ uống hiện nay do các chi phí về mặt bằng, nguyên liệu và nhân công đang tăng rất nhanh,có loại nguyên liệu tăng lên đến 20-30%. Do đó nếu không tăng giá thì các quán khó lòng có thể duy trì được".
Theo ông, đầu vào bao gồm cà phê tăng 25%, mặt bằng tăng 10-20%, các loại như ly, bịch, ống hút cũng tăng giá từ 10-20%. Mức lương hiện tại người lao động cũng sẽ tăng theo vì lạm phát.
Riêng Laha, chiến lược sắp tới của Công ty là nghiên cứu các sản phẩm mới với chi phí hợp lý và biên lợi nhuận tốt hơn, hạn chế các sản phẩm với nguyên liệu tăng giá quá nhanh. Về mặt bằng thì Laha cũng tìm kiếm các mặt bằng xa trung tâm hơn để giảm giá thuê xuống.
"Tình hình này chúng tôi cũng đang xem xét tăng giá một số sản phẩm để có thể bù đắp chi phí. Nếu không tăng giá thì khó lòng duy trì được. Thời gian tới chúng tôi nhận định sẽ có nhiều cơ hội khi người tiêu dùng các sản phẩm cao và trung cấp sẽ hạn chế chi tiêu do lạm phát và chuyển qua các chuỗi đồ uống có giá hợp lý hơn thì các chuỗi như laha với chất lượng tốt và giá hợp lý sẽ là lựa chọn tối ưu. Do Laha tập trung phân khúc mang đi, nên chi phí mặt bằng rẻ hơn và đầu tư ít hơn, giá hợp lý hơn sẽ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí hơn.
Về thách thức thì nếu lạm phát tăng nhanh quá sẽ dẫn đến chi phí tăng liên tục, điều này rất khó để quản lý chi phí và hiệu quả kinh doanh có thể giảm, lợi nhuận bị ảnh hưởng. Trong trường hợp lạm phát kéo dài thì bài toán kinh doanh sẽ phải thay đổi nhiều, doanh nghiệp khó lòng thay đổi kịp, có thể rủi ro cho doanh nghiệp", ông Việt nhấn mạnh.
CEO chuỗi Laha Café, ông Hoàng Việt: "Tình hình này chúng tôi cũng đang xem xét tăng giá một số sản phẩm để có thể bù đắp chi phí".
F&B Chuk Coffee & Tea một vài tháng tới cam kết tăng giá sản sản phẩm dù giá cả thị trường đúng là có nhiều thay đổi
Vừa có màn ra mắt đình đám chuỗi Chuk Chuk và nhanh chóng chiếm được sự tin yêu của các bạn tuổi teen, ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO – có trao đổi: "Thị trường hiện nay chứng kiến nhiều sự thay đổi khi các sản phẩm lần lượt có sự điều chỉnh giá. Đối với Tập đoàn KIDO, ở thời điểm hiện tại chúng tôi không có bất kỳ sự điều chỉnh nào về mặt giá cả đối với chuỗi Chuk Coffee & Tea.
Thứ nhất là vì KIDO đang là đơn vị dẫn đầu thị trường với thị phần 44,5%. Chúng tôi có nhà máy kem với dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại bậc nhất thị trường. Chúng tôi có xưởng sản xuất và có đường số lượng lớn có thể đồng áp dụng trong việc sản xuất các sản phẩm của Chuk Coffee & Tea. Bên cạnh đó, các sản phẩm đến từ Chuk Coffee & Tea đa phần sử dụng nguồn nông sản, trái cây trong nước nên không bị biến động về mặt giá cả.
Tích hợp hai nguyên nhân chính trên khiến nguồn sản xuất và cung ứng của KIDO không bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định không tăng giá bán tại thời điểm này".
Nói về chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hiên nay, vị này cho biết KIDO hiện sở hữu hệ thống kênh phân phối rộng khắp với 450.000 điểm bán ngành hàng lạnh, 120.000 điểm bán ngành hàng khô cùng hệ thống logistics… nhờ hệ thống Logistics có sẵn như thế, chúng tôi luôn sẵn sàng cho chiến lược mở rộng sang các tỉnh lân cận.
Ở miền Nam, ngoài Tp.HCM là thị trường trọng điểm với trên 50 cửa hàng, hiện chúng tôi đã bắt đầu triển khai sang các tỉnh lân cận tại miền Đông như Đồng Nai, Bình Dương và chuẩn bị mở rộng sang Phan Thiết, Vũng Tàu… Dự kiến, trong tháng 7 tới, các chuỗi cửa hàng của Chuk Coffee & Tea sẽ chính thức có mặt tại thị trường Miền Bắc.
"Đối với hệ thống chuỗi F&B Chuk Coffee & Tea, trong một vài tháng tới, chúng tôi cam kết sẽ không tăng giá sản sản phẩm", ông Nguyên khẳng định.
Bên cạnh đó, Chuk Chuk cho biết sẽ tăng cường danh mục sản phẩm bánh tươi KIDO’s Bakery cùng các nhãn hàng Snacking của KIDO để mỗi khách hàng dến với KIDO có thể được thưởng thức nước ngon – bánh ngọt. Ngoài ra, chuỗi còn dự kiến sẽ phục vụ thêm trà chiều, đồng thời tăng thêm các sản phẩm thuộc nhóm café để người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.
"Chuk Coffee & Tea sẽ là chuỗi F& B quan trọng trong việc phân phối và quảng bá các sản phẩm trực thuộc Tập đoàn KIDO. Tại Chuk Coffee & Tea, chúng tôi trên tinh thần phục vụ là chính, không quá đặt nặng về mặt giá cả để mỗi người đều có thể thưởng thức sản phẩm, từ đó Chuk Coffee & Tea nói riêng và các sản phẩm của KIDO nói chung có thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng cả nước", đại diện nói thêm.
Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO: "Thị trường hiện nay chứng kiến nhiều sự thay đổi khi các sản phẩm lần lượt có sự điều chỉnh giá".
Nhiều bên chưa có kế hoạch tăng giá bán
Tương tự, chuỗi Phúc Long đã chia sẻ chưa có kế hoạch tăng giá. Từ sau khi về chung hệ thống với Tập đoàn Masan, Phúc Long cũng đang trong kế hoạch tăng tốc, tăng hiện diện và cải thiện chỉ số kinh doanh.
Trong đó, Masan phát triển mô hình kios dựa trên thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VinCommerce và Phúc Long, tận dụng mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc. Sự kết hợp này được đánh giá là hợp tác win – win, trong khi Masan đang tiến sâu vào ngành bán lẻ thì Phúc Long cũng cần một động lực để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt giữa bối cảnh thị trường chuỗi ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Về phía Phúc Long, doanh thu của chuỗi sau khi về cùng nhà với Vincommerce cũng dự đạt thêm 1.750 tỷ đồng/năm. Không dừng lại ở thị trường trong nước, Phúc Long cũng đã mở rộng sang Mỹ và ghi nhận phản hồi tích cực.
Cũng được ưa chuộng bởi giới văn phòng, đặc biệt là giới trẻ, Starbucks mới đây được biết do vấn đề mặt bằng đã đóng cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội – Starbuck Lan Viên. Đây là cửa hàng Starbucks đầu tiên và cũng lâu đời nhất trong lòng tín đồ cà phê tại Hà Nội. Theo đó, thông báo đóng cửa từ ngày 1/7 tới đây của Starbuck Lan Viên khiến giới trẻ tiếc nuối khi mất đi một địa điểm check-in quen thuộc.
Về vấn đề giá cả cà phê, Starbucks cho biết hiện Công ty chưa có kế hoạch tăng giá.