Hai yếu tố để đưa ra quyết định đầu tư
Một số nhà đầu tư nhận thấy thị trường đang không có “sóng”, quá ít những cơ hội rõ nét. Chia sẻ từ ông Đào Hồng Dương, đối với nhà đầu tư không thể theo sát thị trường để có hành động kịp thời thì phương thức lựa chọn nên có tầm nhìn trung và dài hạn. Ông đưa hai yếu tố chính để để đưa ra quyết định đầu tư.
Thứ nhất, nhà đầu tư cần xác định rõ kế hoạch tài chính, kế hoạch tiêu dùng của cá nhân cùng khả năng chịu rủi ro.
Thứ hai là phân bổ và quản trị rủi ro. Khi phân bổ, nhà đầu tư cần xác định kênh đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tiết kiệm hay bất động sản… Đối với phân bổ vào cổ phiếu cũng chia ra ngành nghề, lĩnh vực ở tầm nhìn trung, dài hạn; phân lớp cổ phiếu với hệ số beta (cho thấy độ nhạy so với thị trường) khác nhau.
“Qua hai lớp phân bổ, chúng ta cho ra được danh mục đầu tư cân bằng, phải chấp nhận rằng nắm ít cổ phiếu lên mạnh hơn nhưng an toàn hơn. Để đáp ứng điều này, tôi gợi ý có hai sản phẩm có thể cân nhắc là chứng chỉ quỹ và danh mục mẫu e-portfolio (danh mục được xây dựng phù hợp với khẩu vị rủi ro)”, ông Dương nói thêm.
Khía cạnh kinh nghiệm cá nhân, Giám đốc VPBankS cho biết vẫn theo nguyên tắc phân bổ tài sản, phân tán rủi ro nêu trên. Ông nhấn mạnh một nguyên tắc là phải kiên định với kế hoạch của mình.
“Nhiều nhà đầu tư dự kiến vào để giao dịch ngắn hạn, trong trường hợp lời/lỗ bao nhiêu thì bán. Tuy nhiên, khi xảy ra, nhà đầu tư lại không thực hiện. Tôi cho rằng dù sự việc gì xảy ra thì cũng nên kiên định với kế hoạch, nhận định đã nêu ra”, ông Dương nói.
Triển vọng nhóm ngành công nghệ, chứng khoán, dầu khí, cảng biển
Tại chương trình, ông Dương đã phân tích đối với một số nhóm ngành gồm công nghệ, chứng khoán, dầu khí, cảng biển.
Định giá ngành công nghệ nói chung đang theo xu hướng tăng, do toàn cầu phát triển AI và hạ tầng về chip phục vụ cho công nghệ AI. Phản ứng và định giá cho ngành công nghệ nhìn cho tương lai 2 đến 3 năm sau. Chính vì vậy, xu hướng này vẫn tăng, song khi đạt được định giá trong thời điểm phù hợp tốc độ tăng chậm dần lại và đảm bảo mức tăng ổn định hơn.
Đối với ngành chứng khoán, ông Dương đánh giá thị trường margin có trồi sụt nhưng vẫn ổn định trên 200.000 tỷ đồng năm 2025 và tạo nền lợi nhuận ổn định cho các công ty chứng khoán.
Về chênh lệch tài sản tài chính, khoản đầu tư fix-income (thu nhập cố định), nhà đầu tư chỉ cần quan tâm đến lãi suất. Ông đánh giá nền lãi suất sẽ không có nhiều chênh lệch trong năm 2025.
Như vậy, lợi nhuận nền và ổn định đến từ cho vay margin, chênh lệch tài sản tài chính, còn phần đột phá đến từ phí môi giới và khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết, dịch vụ khác như IB, bảo lãnh phát hành… nếu như thị trường phục hồi trở lại trong năm 2025.
Ngành dầu khí được đánh giá gặp thách thức từ quốc tế nhưng lạc quan về nội địa. Nguyên do là xu hướng về mặt giá dầu với 4 phân khúc chịu áp lực giảm từ quốc tế. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư thượng nguồn cũng như biến động trong nước lại tạo ra nhiều cơ hội mang tính chu kỳ cho ngành dầu khí nói chung.
VPBankS dự phóng năm 2024 toàn ngành dầu khí sẽ đạt lợi nhuận khoảng 25.300 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước. Điều đó đồng nghĩa quý IV tương đối tích cực. Sang năm 2025, lợi nhuận ngành dầu khí dự báo sẽ tăng khoảng 21% so với 2024.
Những khó khăn của ngành dầu khí đã phản ánh vào giá và tạo cơ hội đầu tư mang tính chất chu kỳ cho toàn ngành trong giai đoạn 2025.
Có hai động lực chính từ trong nước cho ngành dầu khí trong năm 2025 là nhu cầu thượng nguồn về mở rộng hoạt động khai thác dầu khí và tăng trưởng kinh tế tạo nhu cầu cao về hạ nguồn (khí đốt, đạm…).
Cảng biển là ngành thu hút dòng tiền từ cuối năm 2023 cho đến giữa năm nay, rất nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường. Có 4 điểm cần lưu ý đối với ngành này.
Thứ nhất, giá cước cho thuê tàu định hạn và tàu container 40 Feet đã điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước Covid-19. Những sự kiện tác động như căng thẳng biển Đỏ, tắc cảng Hong Kong (Trung Quốc), Singapore đều đã phản ánh và hiện các chủ tàu đã thích nghi với việc kéo dài tuyến ra.
Thứ hai, lượng container thông cảng 8 tháng tăng 20% so với cùng kỳ. Đây là điểm tích cực, nhu cầu có xu hướng tăng.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề ông Trump tái đắc cử, nhìn lại 2019 khi ông Trump chuẩn áp thuế cho hàng loạt hàng hóa từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc thì nhu cầu hàng hóa toàn câu tăng lên mạnh trong 3 tháng do các nhà bán lẻ tăng cường tích trữ hàng hóa giá rẻ. Điều này ảnh hưởng đến hai ngành ở Việt Nam là thép và cảng biển, khi xuất khẩu thép và giao thương tăng lên.
Thứ ba, đối với những hãng tàu cung cấp dịch vụ hàng hải và container có xu hướng tăng đặt tàu mới, cung container toàn cầu có thể tăng 5,5% trong năm 2025. Thương mại hóa toàn cầu trong năm sau được dự báo tăng khoảng 3,1% và chưa tính đến yếu tố Trump tái đắc cử. Lượng container tăng cao hơn nhu cầu, có thể tác động đến giá container và tàu container điều chỉnh.
Thứ 4, xu hướng thay đổi liên minh các hãng tàu từ tháng 2/2025 làm thay đổi chuyến tàu, lịch trình làm thay đổi thị trường cảng biển. Trong đấy, một số hãng tàu như MSC có cổ phần ở một số cảng Việt Nam thì họ ưu tiên cập cảng đó. Xu hướng này làm tăng nhu cầu sử dụng cảng nước sâu trong năm 2025 - 2026.
Với 4 xu hướng này, một số cảng nước sâu hưởng lợi như Gemalink của Gemadept, cảng Cái Mép… Vấn đề về xu hướng tăng sản lượng thông quan và thay đổi liên minh giữa các hãng tàu đang rất có lợi cho cảng biển Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn sâu vào nội tại cho thấy sự cạnh tranh cũng lớn. Cụm cảng Hải Phòng chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Đây là điều cần chú ý vì ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển.
Ở một quan sát khác, nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa nhỏ đã tăng mạnh trong ngắn hạn những phiên gần đây. Ông Dương đánh giá nhóm này có động lực tăng cao hơn trung bình thị trường hiện nay song đi kèm rủi ro.
Ví dụ như lĩnh vực xây dựng, xây lắp, nhiều cổ phiếu có thể có mức tăng tính bằng lần. Động lực đến từ việc hoàn nhập khoản phải thu đã trích lập dự phòng đòi về được, bán một số tài sản, thực hiện hợp đồng xây dựng và xây lắp. Điều này sẽ tạo nên doanh thu và lợi nhuận đột biến cho năm 2025.