Sau khi hoàn thành, cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc sẽ kết nối với hai cao tốc khác lên Đà Lạt
Sau khi cập nhật, bổ sung hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn số 4497/UBND-GT trình lại Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú -Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cập nhật đầy đủ hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được Bộ NN&PTNT thẩm định . Dự kiến tổng diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 455ha; trong đó, diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21ha, gồm 123,37ha rừng tự nhiên và 69.85ha rừng trồng.
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66,3km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai trên dưới 11km. Khoảng 55km còn lại sẽ đi qua các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh.
Cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc sẽ giảm tải cho Quốc lộ 20, đặc biệt là đèo Bảo Lộc |
|
Điểm đầu của dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú) thuộc địa phận xã Phú Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối Dự án tại Km126+360 giao với đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bảo Lộc).
Dự án được phân kỳ đầu tư đạt quy mô nền đường tối thiểu là 13,5m với 2 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp. Riêng các đoạn tuyến đào sâu, đắp cao được nghiên cứu theo quy mô nền đường 22m, tạo thuận lợi cho giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh. Các đoạn vượt xa bố trí mặt cắt ngang với quy mô 4 làn xe cơ giới. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư đạt quy mô nền đường rộng 22m với 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp.
Ở giai đoạn phân kỳ, UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022-2025; còn giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư sau năm 2035.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ 16.220 tỉ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước tham gia 6.500 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.460 tỉ đồng; vốn huy động khác 8.260 tỉ đồng. Đây là đề xuất dự án của liên danh các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung. Dự kiến dự án thu phí hoàn vốn trong vòng 23 năm 4 tháng.
Được biết, đây là một trong 3 dự án cao tốc thành phần của Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200km. Trong đó, Dự án Dầu Giây - Tân Phú khoảng 60km do Bộ GTVT phụ trách; còn Dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Dự án Bảo Lộc - Liên Khương với tổng chiều dài trên dưới 140km, Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện.