Rắn khuyết Ê Đê trưởng thành vừa được phát hiện - Ảnh: NVCC
Hướng dẫn viên Nguyễn Anh Thế - sáng lập website Vietnambirds, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Đại học Michigan, Đại học La Sierra và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên San Diego (Mỹ) đã dành nhiều thời gian khảo sát lưu vực sông Giang ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.
Tại đây, hệ sinh thái rừng vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, ít bị tác động. Sự giao thoa địa lý của dải đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đã tạo nên địa hình rừng núi khá hiểm trở, khí hậu cũng có sự đan xen, lượng mưa nhiều và thường xuyên. Điều này giúp cho nơi đây có được sự đa dạng sinh học đáng kể.
Ông Thế cho biết 2 loài rắn mới được phát hiện thuộc nhóm rắn khuyết (Lycodon), bao gồm rắn khuyết Ê Đê (Lycodon anakradaya) và rắn khuyết Trường (Lycodon truongi).
Cụ thể, rắn khuyết Ê Đê (Lycodon anakradaya) có kích thước trung bình, dài khoảng 90cm, thân hình con trưởng thành gồm những khoang đen - cam nâu xen kẽ. Chúng là loài rắn sống và kiếm ăn ở các suối chưa bị tác động trong rừng nguyên sinh.
Đặc biệt, khi còn non, rắn có màu sắc gồm những khoang đen - trắng xen kẽ, không giống với rắn trưởng thành, mà "giả dạng" loài rắn cạp nia (Bungarus) cực độc. Nhờ đó, rắn non tăng khả năng sống sót trong tự nhiên bởi rắn khuyết không có nọc độc.
Tên loài rắn được đặt để tri ân đồng bào Ê Đê sinh sống ở nơi loài rắn này được tìm ra.
Rắn khuyết Ê Đê chưa trưởng thành có màu sắc khác biệt - Ảnh: NVCC
Trong khi đó, rắn khuyết Trường (Lycodon truongi) có ngoại hình gần giống hoàn toàn rắn cạp nia, những khoang đen trắng xen kẽ của chúng cũng bố trí dày hơn và đều hơn. Tuy nhiên vì không có nọc độc, rắn bò rất nhanh, dễ mất bình tĩnh và phản ứng mạnh nếu bị trêu chọc hoặc bị phát hiện.
Ngược lại, rắn cạp nia thường rất "điềm tĩnh" và ít khi chủ động bỏ chạy hoặc tấn công nếu không bị quấy rầy.
Tên loài rắn được đặt theo tên giáo sư Nguyễn Quảng Trường, một chuyên gia hàng đầu về lưỡng cư bò sát ở Việt Nam, người có công trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu các loài rắn và đào tạo các thế hệ khoa học trẻ về lưỡng cư - bò sát nước nhà.
Rắn khuyết Trường có ngoại hình giống với rắn cạp nia - Ảnh: NVCC
Bài nghiên cứu về phát hiện 2 loài rắn mới ở Việt Nam đã được công bố trên tạp chí Động vật học có xương Vertebrate Zoology, thuộc Viện Leibniz (Đức), tạp chí uy tín ở châu Âu về lĩnh vực đa dạng sinh học nói chung.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Hoàng Đức Huy, giảng viên cao cấp khoa sinh học - công nghệ sinh học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng phát hiện này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy chương trình khám phá, bảo tồn và phát triển các nguồn gene bản địa Việt Nam.
"Hơn 20 năm kể từ lần ghi nhận mới nhất, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy loài rắn khuyết mới, đặc hữu cho khu vực Nam Trường Sơn Việt Nam", ông Huy nói.