Trong năm 2022, giá nhà hạng sang ở Việt Nam sẽ tăng giá từ 2% đến 3% và bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng hàng đầu.
Còn theo theo Knight Frank, trong 5 năm tới, giá phân khúc này sẽ khá là khó đoán định: vì ở nguồn cung hạng siêu sang, ví dụ ở TP.HCM chỉ có Grand Marina Saigon, còn tại Hà Nội đang có một dự án khác và dự án này được bán khá chậm. Do đó, chưa thể nói trước được mức tăng trưởng sẽ như thế nào!
Động lực tăng trưởng chính của BSĐ hạng sang đầu tiên đến từ sự gia tăng liên tục của tầng lớp giàu có tại Việt Nam cũng như châu Á – Thái Bình Dương.
Theo nghiên cứu của Knight Frank, tỷ trọng tài sản của thế giới vẫn tương đồng nhau trong 5 năm tới; dự kiến châu Á sẽ vượt qua châu Âu để trở thành trung tâm thịnh vượng lớn thứ 2 thế giới trong năm 2026.
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, New Zealand đang đứng đầu bảng xếp hạng về trung tâm giàu có phát triển nhanh nhất trong nửa thập kỷ tới – dự kiến giới siêu giàu sẽ tăng 48%. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 11 – khi dân số siêu giàu sẽ tăng 26% từ 2021 đến 2026; so với khu vực Đông Nam Á, thì chúng ta đứng sau Singapore – Malaysia (43%) và Philippines (41%) - Indonesia (29%).
Nhìn rộng ra, dân số giàu (có tài sản trên 1 triệu USD) của Việt Nam sẽ tăng 40,8% trong 5 năm tới, nhờ sự thịnh vượng kinh tế được hỗ trợ bởi các nguồn vốn FDI. Tỷ lệ dân số siêu giàu (tài sản từ 30 triệu USD trở lên) vẫn tập trung chủ yếu ở TP.HCM: trong năm 2021 – Việt Nam có 800 người siêu giàu thì ở TP.HCM hết 434 người; đến năm 2026 – Việt Nam dự kiến có 1.043 người siêu giàu thì tại TP.HCM có 508 người.
Đặc biệt, tài sản của các tỷ phú đô la của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ nguyên hoặc tăng trong đại dịch; trong năm 2021, có thêm 1 tỷ phú USD gia nhập danh sách của Forbes là Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Nova Group.
Việt Nam cũng đang là một thị trường khá tiềm năng với những người giàu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khi họ muốn mua 1 ngôi nhà thứ 2, trong năm 2020. Việt Nam đứng thứ 20 trong BXH; trong top 20, còn có 2 nước ở Đông Nam Á khác là Singapore (5) và Philippines (15).
Người giàu ở đây sẽ quan tâm đến tốc độ băng thông rộng, nguồn năng lượng, nguy cơ ngập úng, sự sẵn có của các điểm sạc xe điện…khi tìm mua 1 ngôi nhà thứ hai.
"Có 3 nguyên do khiến bất động sản cao cấp Việt Nam hấp dẫn trong mắt người giàu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đầu tiên là giá nhà: mặc dù có thể thấy phân khúc giá nhà cao cấp đã tăng, khi có sự xuất hiện các phân khúc siêu sang; nhưng khi nhìn tổng thể bức tranh toàn cầu, cũng như ở châu Á - Thái Bình Dương thì giá nhà Việt Nam vẫn rất phải chăng đối với đối tượng dân số giàu và siêu giàu.
Thị trường Việt Nam vẫn rất thu hút vì không bị thừa cung giống như thị trường Kuala Lumpur - Malaysia. Bây giờ, những chỉ số kiểm soát dịch ở Việt Nam vẫn đang làm rất tốt so với Manila - Philippines. Hiện nay, Manila mới dần bắt đầu mở cửa lại và gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài vào.
Nguyên do thứ hai là khi nhìn về các biến động về kinh tế và chính trị trên thế giới hiện nay, có thể thấy Việt Nam có nền chính trị và kinh tế ổn định, dần trở thành một điểm đến an toàn để đầu tư tài sản.
Thứ ba là khi Việt Nam có những chỉ số tốt như vậy, có thể thu hút các nguồn nhân lực nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Điều này cũng hỗ trợ cho việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam", bà Christine Li – Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu, châu Á – Thái Bình Dương của Knight Frank phân tích.
Cũng theo bà Christine Li, thì người mua tiềm năng đối với thị trường Việt Nam gồm có khách hàng đến Singapore và Malaysia. Trong vòng 12 tháng tới, khi đại dịch ở Trung Quốc vẫn chưa được kiểm soát, chúng ta vẫn sẽ thấy có người mua nhà đến từ Trung Quốc. Một trong những lí do để họ tìm cách mua nhà tại Việt Nam đó là để tăng mức tài sản của họ và mua để cho thuê.
Ông Alex Crane – Giám đốc điều hành Knight Frank tại Việt Nam
"Về thị trường nhà ở hạng sang, những người mua nhà nước ngoài sẽ đến từ đâu thì cần phải nhìn lại cách Việt Nam đang dần mở cửa. Hiện chúng ta có những chuyến bay thẳng từ Hàn Quốc cũng như Đài Loan và mới gần đây là chuyến bay thẳng đi California.
Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam thật sự vẫn là điểm đến an toàn đối với các nước châu Á. Khi chúng ta có những chính sách như chuyến bay thẳng từ Mỹ, một số cộng đồng Việt kiều sẽ quay về và mua nhà tại Việt Nam", ông Alex Crane – Giám đốc điều hành Knight Frank tại Việt Nam, bổ sung.
Động lực tăng trưởng chính thứ hai của BĐS hạng sang là đến từ việc các 'ông lớn' trên khắp thế giới dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, kéo theo rất nhiều chuyên gia nước ngoài.
Nguyên do là bởi chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc cộng với chính sách ‘Zero Covid’ mà Trung Quốc đang theo đuổi kể từ đầu đại dịch, đã khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận diễn ra ngày càng mạnh mẽ trong vài năm gần đây.
Có ông lớn dịch chuyển 100% khỏi Trung Quốc và có người chỉ chọn dịch chuyển 1 phần; và Việt Nam là một trong những điểm đến được ưa chuộng dạo gần đây.
Cụ thể, theo Ngân hàng UOB: một chỉ báo tương lai là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã phần nào tăng trở lại trong tháng 5 bất chấp bối cảnh bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine và giá hàng hóa tăng.
Vốn FDI đăng ký từ đầu năm 2022 giảm 16,3% so với cùng kỳ xuống 11,71 tỷ USD, dù đây là tháng thứ 4 liên tiếp có mức đăng ký giảm nhưng vẫn rất cao so với trước đại dịch. Năm 2021, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 31,15 tỷ USD.
Dự đoán, số liệu dòng vốn FDI trong năm 2022 sẽ ở mức 28 tỷ USD, tương đương với con số đạt được trong năm 2020 khi đại dịch bùng phát.
Bà Christine Li – Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu, châu Á – Thái Bình Dương của Knight Frank
"Trước năm 2019-2020, do Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh thương mại, các nhà sản xuất đã tìm cách dịch chuyển nhà máy của họ về lại Việt Nam. Chúng tôi đã nhận thấy xu hướng. Ngay cả Foxconn khi về Việt Nam đã mang theo 30 nhà cung cấp, điều này cũng góp phần tăng trưởng cho thị trường nhà ở tại Việt Nam.
Hay nói cách khác, nhìn vào bức tranh tổng thể, hiện nay Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn về phương diện sản xuất và khi họ chuyển đổi việc sản xuất từ những nơi khác về Việt Nam; việc đầu tiên họ làm đó là lập (set up) văn phòng và mang các chuyên gia nước ngoài tới hoặc về lại Việt Nam", bà Christine Li nhấn mạnh một lần nữa.