Bệnh thận thường được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì bệnh thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển đáng kể, theo đài India TV.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ sau 40 tuổi có thể tạo nên sự khác biệt
Không giống như các xét nghiệm thường quy về huyết áp, đường huyết hoặc cholesterol, các xét nghiệm chức năng thận, đặc biệt là xét nghiệm creatinine máu đơn giản, thường bị bỏ qua. Sự bỏ qua này có thể làm chậm trễ chẩn đoán cho đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
Tiến sĩ Tarun Kumar Saha, bác sĩ chuyên khoa thận và ghép thận tại Bệnh viện Yashoda, Hyderabad (Ấn Độ), khuyên: Đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Nhận biết các triệu chứng tổn thương thận sớm và kiểm soát sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe định kỳ sau 40 tuổi có thể tạo nên sự khác biệt.

Bệnh thận thường được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" vì bệnh thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển đáng kể
Ảnh: AI
Nhận biết các dấu hiệu tinh tế
Các rối loạn thận giai đoạn đầu có thể biểu hiện các triệu chứng tinh tế hoặc không đặc hiệu, thường bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, nếu gặp bất kỳ tình trạng bao gồm mệt mỏi, sưng phù, đi tiểu khác thường hoặc huyết áp cao không rõ nguyên nhân, cần đi kiểm tra để được đánh giá kịp thời thông qua các xét nghiệm máu, nước tiểu và hình ảnh để xác nhận.
Mọi người thường bỏ qua tình trạng tiểu đêm, tức là đi tiểu nhiều vào ban đêm, đây là triệu chứng sớm của bệnh thận mạn tính và thường bị bỏ qua vì thường bị nhầm là hiện tượng bình thường. Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa thận trong những trường hợp như vậy thực sự quan trọng.
Người có yếu tố nguy cơ cao cần kiểm tra
Theo bác sĩ Saha, những người có các yếu tố nguy cơ cao như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, bệnh tim hoặc có tiền sử gia đình bị suy thận phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Hơn nữa, có mối liên hệ rõ ràng giữa bệnh thận và sức khỏe tim mạch; những người mắc bệnh thận mạn tính phải đối mặt với nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn, điều này càng nhấn mạnh thêm nhu cầu phát hiện sớm.

Những người có các yếu tố nguy cơ cao như tiểu đường, huyết áp cao hoặc có tiền sử gia đình bị suy thận phải kiểm tra sức khỏe định kỳ
Ảnh: AI
Những người trên 40 tuổi cũng nên kiểm tra chức năng thận như một phần trong quá trình đánh giá sức khỏe định kỳ do thay đổi lối sống và thói quen ăn uống.
Bệnh thận mạn tính phát triển dần dần và không thể đảo ngược, nhưng chẩn đoán sớm có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo dõi thường xuyên
Theo dõi thường xuyên gồm đo nồng độ creatinine trong máu, ước tính tốc độ lọc cầu thận (eGFR), xét nghiệm protein trong nước tiểu và kiểm soát huyết áp.
Người bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, nên xét nghiệm hằng năm, những người có nguy cơ trung bình nên cân nhắc xét nghiệm 1 - 2 năm một lần.
Thay đổi lối sống làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thận
Các biện pháp can thiệp vào lối sống cũng quan trọng không kém: Kiểm soát lượng đường trong máu, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh hút thuốc, uống đủ nước và thận trọng với các loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau.
Sức khỏe thận không đột nhiên xấu đi, nhưng nó sẽ suy giảm âm thầm theo thời gian. Nhưng nếu sàng lọc kịp thời, nâng cao nhận thức và kỷ luật lối sống, có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và thường có thể tránh được các biến chứng nghiêm trọng như chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận, theo India TV.