Nghị quyết 68 sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho SMEs trong 3 năm đầu thành lập
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân có các nội dung sau: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, với tỷ lệ 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng trưởng bình quân của nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam đạt khoảng 10%-12% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 55%-58% GDP. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Đến 2045, Việt Nam sẽ có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI (Ảnh: BSA)
“Tức là, trong thời gian tới, sẽ không còn quan trọng thành phần, không ai quan trọng hơn ai, cho dù là DN tư nhân, FDI hay Nhà nước. Quan trọng là hiệu quả của từng khu vực. Như vậy, các DN tư nhân sẽ không còn sự nghi ngại, băn khoăn, vương vấn gì về vai trò của mình; mở đường cho cho tư duy lớn.
Theo quan điểm của tôi, DN không chỉ tạo ra việc làm cho người dân hay xuất khẩu hàng hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong an sinh xã hội và quốc phòng.
Có một quan chức Nhà nước ở miền Bắc từng kể với tôi một câu chuyện như sau: trước đây, để khiến một bộ phận người dân ở vùng cao miền Bắc bớt phá rừng, Nhà nước đã cấp bò và trợ cấp xóa nghèo. Sau này, quan chức này - lúc đó là Bí thư huyện, đã kéo một công ty dược liệu về kinh doanh trên địa bàn của mình đang công tác.
Muốn trồng dược liệu bán lấy tiền, thì cần phải giữ gìn tán rừng, vậy nên người dân đã không còn phá rừng nữa. Sau khi người dân ở đó có thu nhập từ trồng trọt dược liệu, họ không cần trợ cấp bò cùng tiền từ Nhà nước và không còn phá rừng”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ trong tọa đàm “Dòng chảy pháp luật 2024 – 2025 và Khuyến nghị cho Doanh nghiệp” do BSA tổ chức.

(Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể hơn, Nghị quyết 68 sẽ hỗ trợ bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.
Nâng cấp, đổi mới chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân xây dựng và quảng bá thương hiệu. Khuyến khích phát triển các tập đoàn bán lẻ tư nhân.
Nghị quyết này cũng sẽ hỗ trợ chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc doanh nghiệp vi phạm…
Triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp. Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.

Chương trình của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM ((ITPC) tại Saudi Food Show 2025. (Ảnh: ITPC)
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: những hỗ trợ này của Nghị định 68 rất sát sườn với tình hình thực tế. Bởi, trước đây, các DN tư nhân Việt Nam hay kháo nhau ‘DN lớn bị thanh tra nhiều, làm ăn nhiều bị phạt cao’. DN càng lớn thì chi phí hành chính càng cao, điều này đi ngược với quy luật thị trường. Quy luật thị trường là: khi DN càng lớn càng có lợi thế về quy mô, tất cả các chi phí đều giảm như chi phí sản xuất.
Dân gian còn có câu ‘khôn dựng trại, dại dựng nhà’, làm ăn nhì nhằng ít rủi hơn nghiêm túc. Có một DN nọ, vì muốn khách hàng của mình dễ nhận diện công ty nên làm một cái bảng hiệu to rõ đẹp và sau đó, họ phải tiếp đón các đoàn vào kiểm tra liên tục. Cuối cùng, họ quyết định dẹp bảng hiệu đó xuống.
Nghị quyết 68 hỗ trợ toàn diện cho các DN đổi mới sáng tạo
“Sắp tới, Nhà nước sẽ rà soát – cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục thuế. Ví dụ: người dân và cả DN có thể hoàn thuế trực tuyến 100%; xin phép kinh doanh online qua một cổng đăng ký duy nhất như cách Singapore đang làm, còn phối hợp bên trong như thế nào là chuyện của các sở ngành. Việt Nam mình có thể làm được như vậy.
Ngoài được miễn giảm thuế trong giai đoạn đầu thành lập như đã nói ở trên, Nghị quyết 68 cũng sẽ hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo ở cả 4 lĩnh vực là đất - vốn - nhân lực và khoa học công nghệ. Theo đó, Nghị quyết 68 đã nêu những nhóm giải pháp cụ thể mà các ban ngành có thể thực hiện được ngay cho những vấn đề kể trên. Với những hỗ trợ mới trên mọi mặt của Nghị quyết 68, các DN đổi mới sáng tạo sẽ phát triển mạnh”, ông Đậu Tuấn Anh tiếp lời.
Về đất (mặt bằng)
Chậm nhất trong năm 2025, Nhà nước sẽ hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan.
Thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng.
Đối với DN công nghệ cao, SMEs và DN khởi nghiệp sáng tạo: Nhà nước hỗ trợ thông qua chủ đầu tư hạ tầng KCN/CCN - tối thiểu 20 ha một khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất.

Hiện khách thuê trong các KCN như VSIP Bình Dương chủ yếu là DN lớn của Việt Nam và FDI. (Ảnh:Vũ Sinh/TTXVN)
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, hiện các SMEs chủ yếu thuê các mặt bằng thổ cư để kinh doanh – sản xuất và KCN là dành cho các Tập đoàn/FDI hoặc DN lớn. Ông cũng tò mò đợi xem việc ‘thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai’ sẽ ứng dụng vào thực tế ra sao.
Về nguồn nhân lực
Đổi mới phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp đối với các chương trình chất lượng cao. Hỗ trợ, khuyến khích hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực.
Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 Giám đốc điều hành; huy động các doanh nhân thành đạt tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho đội ngũ doanh nhân.
Về khoa học công nghệ
Cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này.
Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) là cái nôi của nhiều startup công nghệ ở TP.HCM. (Ảnh:SHTP-IC)
Doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được sử dụng phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, phòng hỗ trợ thiết kế và thiết bị nghiên cứu dùng chung, trung tâm thử nghiệm, đo lường, kiểm định, giám định của Nhà nước để phát triển sản phẩm với mức phí hợp lý.
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Tức khi chúng ta bỏ ra 10 đồng để đầu tư vào R&D, thì sẽ được khấu trừ 20 đồng. Mặt khác, khi các quỹ đầu tư hoặc tổ chức, tư nhân đầu tư vào các DN đổi mới sáng tạo, sau khi thoái vốn sẽ được miễn thuế thu nhập từ thương vụ đó”, ông Đậu Anh Tuấn diễn giải.
Về lĩnh vực vốn
Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị; xem xét các tài sản bảo đảm, bao gồm cả bất động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp.
Rà soát khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả Trung ương và địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính.
Các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh; thực hiện quản lý theo mục tiêu tổng thể; quy định mức trích quỹ dự phòng tài chính hợp lý, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng.
Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hoá, minh bạch hoá, số hoá điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn; đa dạng hoá nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế...