Trong ngày 11/10, 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, VietinBank và HDBank trở thành những nhà băng tiếp theo điều chỉnh lãi suất tiết kiệm trong tháng 10. Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất cao nhất của Big4 ngân hàng nhà nước giảm lãi tiết kiệm cao nhất xuống chỉ còn 5,3%/năm. Đây là biểu lãi tiết kiệm mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Cụ thể, nhóm Big4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
Mặc dù vậy, VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank không phải là những nhà băng có mức lãi tiết kiệm thấp nhất hiện nay. Trước đó, ngân hàng An Bình đã giảm mạnh lãi tiết kiệm, trong đó biểu lãi tiết kiệm cao nhất của nhà băng này giảm xuống chỉ còn 4,7%/năm áp dụng cho kỳ hạn 7 và 8 tháng. Thậm chí, lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm chỉ còn 4,2%, thấp nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.
Nhu cầu mua BĐS nhiều khu vực tăng lên trong bối cảnh lãi tiết kiệm liên tục giảm mạnh
Trong giai đoạn đầu năm 2023, ABBank từng áp dụng biểu lãi tiết kiệm lên tới 11 - 12%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, tuy nhiên hiện nay lãi tiết kiệm kỳ hạn này của nhà băng giảm chỉ còn 4,1%/năm, tương đương đã giảm gần 8%/năm chỉ sau vài tháng. Tương tự, ở kỳ hạn 12 tháng, SEABank cũng có lãi tiết kiệm lĩnh cuối kỳ giảm chỉ còn 4,9%/năm.
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 10 đến nay đã có khoảng 17 ngân hàng công bố giảm lãi tiết kiệm gồm Agribank, BIDV, VietinBank, HDBank, BaoViet Bank, Techcombank, SeABank, Viet A Bank, PG Bank, VietBank, Dong A Bank, Vietcombank, LPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB và Bac A Bank,... Với việc nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm trong tháng 10, mức lãi 7%/năm cũng đã vắng bóng khỏi biểu lãi tiết kiệm của các nhà băng (không tính lãi tiết kiệm dành cho khách hàng VIP hoặc gửi tiết kiệm với số tiền lớn).
Việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm trong những tháng gần đây khiến một số người có tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm kiếm các kênh đầu tư khác để sinh lời tốt hơn. Một số người có nguồn vốn nhàn rỗi lớn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng đã lựa chọn BĐS là kênh đầu tư của mình. Chị Duyên (Hà Đông – Hà Nội) cho biết hơn 1 tháng gần đây đã dành thời gian tìm kiếm cơ hội đầu tư vào phân khúc đất nền dưới 1 tỷ đồng.
Nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi này cho biết với số tiền nhàn rỗi trong tay rất khó tìm mua nhà đất khu vực trung tâm, do đó chủ động lựa chọn phân khúc đất nền khu vực vùng ven Hà Nội để có thể đầu tư lâu dài. Chị Duyên cho biết đã được nhiều môi giới giới thiệu và đi xem nhiều lô đất nền với diện tích từ 35-60m2 tại khu vực Chương Mỹ, Thanh Oai với mức giá chào bán phổ biến ở 400 triệu đồng đến 850 triệu đồng.
Trong khi đó, với số tiền nhàn rỗi 2 tỷ đồng và có thể vay thêm vài trăm triệu đồng, chị Lan (Thanh Xuân – Hà Nội) đang quan tâm tới phân khúc đất đấu giá và đất dịch vụ tại khu vực vùng ven và các tỉnh lân cận Hà Nội. Chị Lan cho biết thời gian qua đã tham gia nhiều cuộc đấu giá đất nền tại Bắc Giang nhưng chưa thành công do mức giá bỏ thấp hơn những nhà đầu tư khác khoảng vài chục triệu đồng. “Nhiều môi giới đã chào bán lại suất đấu giá với mức chênh khoảng một trăm triệu đồng nhưng tôi đã thẳng thừng từ chối và chờ cơ hội ở những cuộc đấu giá tiếp theo”, chị Lan chia sẻ.
Phân khúc BĐS phục vụ nhu cầu ở thực vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người
Chị Vũ Thị Dung, chủ một văn phòng môi giới BĐS tại Hà Đông cho biết kể từ khi lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng giảm từ cuối tháng 8 đến nay lượng khách hàng liên hệ để tìm kiếm cơ hội mua BĐS để ở và đầu tư đã tăng đáng kể. Có ngày cuối tuần văn phòng chị tiếp đón hàng chục lượt khách tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS khu vực Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ,… và phân khúc được nhiều người quan tâm nhất là các bất động sản trong mức giá từ 1 đến 3 tỷ đồng. Thời gian qua cũng đã có nhiều giao dịch được bên bán và mua chốt thành công.
Dù đánh giá thị trường BĐS bắt đầu ấm dần nhưng chị Dung cũng lưu ý không phải ai cũng phù hợp để rót tiền vào bất động sản. Chủ văn phòng môi giới này đánh giá đây là thời điểm thích hợp với những người có nhu cầu mua ở thực, mong muốn sở hữu bất động sản phát sinh từ gia tăng dân số, kết hôn và di cư, nhất là các đại đô thị. Trong bối cảnh giá bất động sản nhiều khu vực đã có sự điều chỉnh đáng kể so với giai đoạn sốt đất cuối năm 2021 đầu năm 2022, lãi suất đang hạ nhiệt và nhóm này cũng dễ được ngân hàng ưu tiên cho vay hơn, đây là thời điểm tốt để họ mua được sản phẩm vừa ý.
Trong khi đó, với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường cần cân nhắc và nghiên cứu cẩn thận trước khi xuống tiền. Hiện tại nhiều bất động sản đã giảm giá mạnh nhưng các nhà đầu tư cũng cần chú ý đến mức sử dụng đòn bẩy tài chính, chỉ nên đầu tư trong khả năng, tránh vay nợ lớn vượt khả năng chi trả gốc, lãi hàng tháng nếu phải giữ trong thời gian dài. Theo chị Dung, nhà đầu tư mới nên tránh các bất động sản mập mờ về pháp lý, tránh các khu vực mà bản thân thiếu thông tin và có vị trí quá xa khu vực đô thị, khu vực tập trung dân cư.