Khó khăn của nền kinh tế khiến giới đầu tư nhận định các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, BĐS, vàng, trái phiếu doanh nghiệp đang chứa đựng nhiều rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những biến động mạnh, nhiều phiên chỉ số chính VN-Index lao đốc lên tới hơn 50 điểm và được xếp vào nhóm thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất khu vực cũng như thế giới. Không chỉ sụt giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm, theo đó thay vì những phiên giao dịch với thanh khoản tỷ USD, mức thanh khoản trên sàn HoSE trong tháng 10 sụt giảm chỉ còn khoảng 11.500 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư đánh giá, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin vào thị trường vốn bị sụt giảm.
Lượng tiền gửi tiết kiệm tiếp tục lập kỷ lục trong bối cảnh lãi suất huy động hạ nhiệt
Tương tự, thị trường BĐS vẫn chưa hết những khó khăn, giao dịch tiếp tục rơi vào trầm lắng. Thị trường vàng dù có nhiều biến động về giá thời gian gần đây nhưng giao dịch cũng không có nhiều đột biến do người dân vẫn thận trọng.
Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng tiếp tục có nhiều rủi ro. Do đó, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Tiền gửi được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm.
Khảo sát cho thấy, lãi tiết kiệm đã được nhiều ngân hàng hạ xuống mức thấp kỷ lục những tháng gần đây. Theo đó, tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng với lãi suất 5%/năm, còn kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,9%/năm. Kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 2,9%/năm. Tại các ngân hàng BIDV, VietinBank và Agribank, lãi suất huy động có cao hơn, như kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/ năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm… Với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3 - 5,7%/năm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Còn đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm.
Tuy nhiên, theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng). So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Cùng với mức tăng của tiền gửi dân cư, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022 và tháng tăng mạnh thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2023 (chỉ thấp hơn tháng 6 - tăng 235.438 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu gửi tiết kiệm là luôn có bất chấp lãi suất huy động giảm, và chỉ có một phần nhỏ dòng tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm dịch chuyển sang chứng khoán, vàng, bất động sản… bởi khẩu vị rủi ro là khác nhau.