Chứng khoán VNDirect cho biết mặc dù đạt mức cao nhất nhiều năm trong quý II/2023, song chi phí lãi vay đã kéo dài xu hướng đến quý III khi tiếp tục tăng thêm 0,2 điểm % so với quý trước lên 6,8%.
Do đó, tổng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp trên sàn vẫn đang bị chi phí tài chính ăn mòn mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất chính sách nhiều lần kể từ tháng 3 và lãi suất huy động đã trở lại mức trước COVID-19. VNDirect kỳ vọng chi phí lãi vay sẽ giảm trong các quý tới do các ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay kể từ quý III.
Thống kê của công ty chứng khoán này cũng cho thấy tỷ lệ đòn bẩy (hệ số D/E) đạt mức thấp kỷ lục 60,7% trong quý III, thấp hơn 0,3 điểm % so với quý trước do các công ty đều tập trung vào trả nợ.
Dữ liệu từ Chứng khoán SSI cho biết khả năng thanh toán lãi vay tiếp tục suy giảm, trung bình ở mức 3,82 lần trong quý III. Trong đó có 183 doanh nghiệp ghi nhận hệ số ở mức <1, tổng vay nợ của nhóm này chiếm 11,9% toàn thị trường.
Tính tới hết quý III, có 24 doanh nghiệp có dư nợ trên 10.000 đồng và tổng dư nợ của nhóm này đạt 745.129 tỷ, chiế 52% tổng dư nợ toàn thị trường.
Bên cạnh nguồn vay bằng VND thì các khoản vay bằng ngoại tệ như USD, yen,... trở nên hấp dẫn với doanh nghiệp vì lãi suất thấp. Song nó cũng có thể là con dao hai lưỡi trong bối cảnh VND mất giá so với đồng ngoại tệ.
Vingroup đứng đầu về nợ vay ngoại tệ
Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) tiếp tục là đơn vị có nợ vay đứng đầu thị trường với 193.477 tỷ đồng, tăng 17.428 tỷ sau một quý và chiếm gần 31% tổng nguồn vốn. Tổng nợ vay tại ngày 30/9 gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu.
Nợ vay của Vingroup có xu hướng tăng mạnh từ năm 2017 - đây là năm đánh dấu mốc tập đoàn này chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất xe ô tô và tiếp tục gia tăng trong năm 2022 khi doanh nghiệp trên con đường hiện thực hoá tham vọng xuất khẩu xe điện đồng thời chuẩn bị nguồn lực trước thềm IPO và niêm yết ở Mỹ.
Vingroup cũng là doanh nghiệp có dư nợ vay ngoại tệ lớn nhất trên sàn, chiếm khoảng một nửa tổng nợ vay. Cuối quý III, tổng dư nợ vay USD của Vingroup là 56.606 tỷ đồng bao gồm 7.970 tỷ đồng dư nợ đến hạn, đây đều là các khoản vay hợp vốn.
Bên cạnh đó, Vingroup cũng có nhiều lô trái phiếu huy động từ thị trường quốc tế. Thông tin từ Cbonds, Vingroup đang lưu hành các lô trái phiếu có giá trị 500 triệu USD (lãi suất 3%/năm), 525 triệu USD (lãi suất 4%/năm), 100 triệu USD (lãi suất 4%/năm), 250 triệu USD (lãi suất 10%/năm).
Ngoài ra, ngày 13/11, Vingroup đã hoàn tất phát hành 250 triệu USD trái phiếu với kỳ hạn 5 năm ở thị trường Singapore. Thông tin chi tiết về lãi suất, tài sản đảm bảo và tổ chức đứng ra thu xếp không được công bố.
Chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu 9 tháng đầu năm của Vingroup là 12.030 tỷ đồng.
Nửa cuối năm 2022, tỷ giá trở thành "nỗi ám ảnh" của doanh nghiệp vay USD ghi nhận mức cao kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp lỗ đậm khi đánh giá lại các khoản vay ngoại tệ.
Trong bối cảnh đồng USD liên tục mạnh lên ở quý III, bên cạnh chi phí lãi vay, Vingroup còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 2.459 tỷ đồng quý III. Quý II, tập đoàn chỉ lỗ tỷ giá 110 tỷ còn quý I Vingroup có lãi từ chênh lệch tỷ giá gần 332 tỷ đồng.
EVNGENCO3 vay chủ yếu bằng USD
Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty cổ phần (EVNGENCO3 - Mã: PGV) có dư nợ vay lớn thứ 6 trên sàn (36.550 tỷ), chiếm 62% nguồn vốn. Trên báo cáo tài chính quý III không thuyết minh chi tiết khoản vay song theo báo cáo kiểm toán bán niên cho thấy PGV vay bằng ngoại tệ như USD, yen Nhật, KRW.
Đây là các khoản vay lại từ EVN. Trong đó, PGV vay chủ yếu bằng đồng USD với lãi suất từ 3,45%/năm đến 8,75%/năm.
Chi phí lãi vay 9 tháng khoảng 398 tỷ đồng và doanh nghiệp lỗ ròng khoảng 982 tỷ từ chênh lệch tỷ giá quý III trong khi nửa đầu năm lãi khoảng 214 tỷ.
Hoà Phát tăng lỗ tỷ giá trong quý III khi USD mạnh lên
Tổng dư nợ vay cuối quý III là 57.982 tỷ đồng, giảm 1.945 tỷ sau một quý và chiếm hơn 33% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay dài hạn là 8.745 tỷ đồng. Chi tiết về các khoản vay của Hoà Phát không được công bố.
Tổng chi phí lãi vay ba quý là 2.874 tỷ song thực tế tiền lãi vay đã trả là 2.926 tỷ đồng do một phần tiền lãi đã được vốn hoá vào dự án đang xây dựng.
Thuyết minh báo cáo tài chính soát xét bán niên cho thấy doanh nghiệp vay nợ bằng cả VND và USD với tỷ trọng lần lượt là 78% và 22%, tức cuối quý II, dư nợ ngoại tệ của Hoà Phát khoảng 12.800 tỷ. Vì vậy, ngoài việc phải chịu chi phí lãi vay thì tập đoàn còn đối mặt với áp lực tỷ giá.
Tỷ giá USD/VND liên tục leo thang trong quý III, Hoà Phát lỗ ròng 176 tỷ từ chênh lệch tỷ giá song đã giảm so với mức lỗ 1.012 tỷ cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, tập đoàn lỗ ròng 199 tỷ từ chênh lệch tỷ giá, cùng kỳ năm ngoái lỗ 2.224 tỷ.
Novaland lỗ tỷ giá gần 600 tỷ quý III
Tính tới ngày 30/9, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) có tổng dư nợ vay 58.944 tỷ đồng, xếp thứ 3 trên sàn chứng khoán và chiếm gần 24% nguồn vốn. Trong đó, dư nợ trái phiếu cuối kỳ là 40.174 tỷ, còn lại là từ ngân hàng.
Novaland vay từ bên thứ ba 7.063 tỷ bằng USD, chủ yếu có mức lãi suất khoảng 6%/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải trả thêm một khoản tiền đủ để đảm bảo cho bên cho vay nhận được IRR mục tiêu là 11,5%/năm hoặc 14%/năm tuỳ gói vay.
Ngoài ra, Novaland còn có khoản nợ vay gần 144 triệu USD với ngân hàng nước ngoài và trong nước.
9 tháng đầu năm, lãi vay phải trả của Novaland là 3.352 tỷ. Bên cạnh đó, tập đoàn còn phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 579 tỷ đồng khi đồng USD liên tục mạnh lên trong quý III.
FPT vay nợ bằng cả USD, yen và VND
Dù nắm giữ lượng tiền gửi dồi dào top đầu trên sàn chứng khoán nhưng CTCP FPT (Mã: FPT) vẫn vẫn vay nợ nhằm tối ưu lợi nhuận khi đem gửi ngân hàng với lãi suất cao và đi vay với lãi suất thấp.
Tại ngày 30/9, tổng nợ vay của tập đoàn là 19.110 tỷ, giảm 435 tỷ đồng sau một quý và tăng 54% so với đầu năm.
Khoản vay của FPT chủ yếu là ngắn hạn từ các ngân hàng và các tổ chức kinh tế được thực hiện chủ yếu dưới hình thức tín chấp và tín dụng thư. Các khoản tín dụng này có thể rút bằng VND hoặc USD. Các khoản vay cũng không có đảm bảo và lãi suất được quy định cụ thể theo mỗi lần rút vốn.
Cuối quý III, FPT vay 9.102 tỷ đồng bằng VND, 7.984 tỷ bằng USD và 2.204 tỷ bằng đồng yen Nhật. Trong đó, doanh nghiệp gia tăng khoản vay bằng USD và VND trong khi giảm bớt các khoản vay bằng yen.
Khoản vay bằng USD tại ngày 30/9 tăng 21% sau một quý và gấp 4,2 lần con số đầu năm.
Giữa bối cảnh USD liên tục tăng giá thì rủi ro tỷ giá là một áp lực lớn với FPT. Tập cũng phòng ngừa rủi ro rỷ giá bằng cách sử dụng các giao dịch hoán đổi ngoại tệ và mua ngoại tệ trong tương lai.
Ngoài ra, tập đoàn cũng có nguồn thu ngoại từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ bằng USD và JPY. 9 tháng đầu năm, FPT thu hơn 299,3 triệu USD (hơn 7.200 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) và 39,1 tỷ yen (hơn 6.400 tỷ đồng).
9 tháng, FPT lỗ tỷ giá 74 tỷ, cùng kỳ năm ngoái lãi 28 tỷ đồng. Tính riêng quý III, FPT lỗ tỷ giá 84 tỷ đồng.
ACV vay chục nghìn tỷ bằng yen Nhật
Cuối quý III, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) có tổng dư nợ vay 10.750 tỷ đồng (chiếm hơn 16% tổng nguồn vốn), trong đó 10.333 tỷ là vay dài hạn. Đây đều là các khoản vay ODA bằng đồng yen Nhật.
Trong đó, 2.126 tỷ vay với lãi suất 1,6%/năm, còn lại là các khoản vay chỉ có lãi suất từ 0,3 - 0,4%/năm áp cho chi phí xây dựng và 0,21% cho chi phí tư vấn.
Với mức lãi suất thấp nên 9 tháng đầu năm, lã vay phải trả của ACV chỉ hơn 63 tỷ. Ngoài ra, sau khi hồi phục những tháng cuối năm ngoái, đồng yen lại tiếp tục mất giá so với VND từ đầu năm tới nay.
Trong bối cảnh đồng yen Nhật mất giá thì ACV ghi nhận khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá 192 tỷ đồng do đánh giá lại khoản vay bằng yen. Song so với cùng kỳ năm ngoái thì mức độ mất giá của yen so với VND vẫn thấp, 9 tháng năm 2022 ACV lãi 2.245 tỷ từ chênh lệch tỷ giá.
Dù ghi nhận khoản nợ hàng chục nghìn tỷ nhưng ACV lại nắm giữ lượng tiền mặt lớn thứ ba trên sàn chứng khoán với 32.312 tỷ cuối quý III và chiếm 49% tài sản.
Một số doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn trong cơ cấu nợ như CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) song FMC lại có hoạt động chính là xuất khẩu thu USD nên rủi ro tỷ giá giảm bớt.