Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 17/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành gần 35.000 tỷ đồng tín phiếu, trong đó có gần 25.000 tỷ đồng tại kỳ hạn 7 ngày và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày với lãi suất trúng thầu lần lượt là 4,69%/năm và 5,5%/năm.
Tính chung cả tuần (13-17/2), NHNN đã phát hành gần 107.000 tỷ đồng tín phiếu mới và hút về lượng tiền đồng tương ứng, trong khi đó chỉ có 229 tỷ đồng được bơm ra thị trường qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Trên hai kênh, NHNN hút ròng 30.178 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng trong tuần qua.
Trong tuần, nhà điều hành đã sử dụng thêm tín phiếu có kỳ hạn 91 ngày với quy mô gần 20.000 tỷ đồng bên cạnh kỳ hạn 7 ngày. Với kỳ hạn khoảng 3 tháng, lượng tín phiếu nêu trên dự kiến sẽ đáo hạn và quay lại hệ thống trong tháng 5.
Trong tuần trước đó ( 6/2-10/2), tổng khối lượng hút ròng trên nghiệp vụ thị trường mở đã lên tới 142.400 tỷ đồng.
Cụ thể, 85.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày được phát hành trên kênh tín phiếu theo phương thức đấu thầu lãi suất và mặt bằng lãi suất trúng thầu đã hạ nhiệt, xuống chỉ còn 4,55%/năm. Bên cạnh đó, nghiệp vụ mua kỳ hạn vẫn tiếp tục được thực hiện với khối lượng hạn chế (8.400 tỷ đồng).
Về diễn biến lãi suất liên ngân hàng, tính đến 16/2, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở 4,71%/năm, tăng nhẹ so với mức 3,64%/năm (mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022) vào ngày 15/2. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng ngày 16/2 ghi nhận lần lượt là 4,87%, 5,34% và 6,15%.
Báo cáo vĩ mô mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm.
Trong tháng 1, mặt bằng lãi suất ổn định và không có nhiều biến động. Do mặt bằng lãi suất đã tăng đáng kể trong năm 2022, trở về mức hấp dẫn đáng kể, nhu cầu gửi tiền dự báo sẽ được cải thiện. Tuy vậy vẫn sẽ có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước và nhóm NHTM vừa và nhỏ.