Hầu hết chúng ta đều có những thói quen mà bản thân thường xuyên mắc phải. Một cốc cà phê mỗi ngày vào buổi sáng hoặc một đôi giày mới mỗi tháng trông có vẻ vô hại. Tuy nhiên nếu lặp đi lặp lại, chúng hoàn toàn có thể trở thành khoản chi lớn ảnh hưởng đến tài chính cá nhân. Bất chấp những nỗ lực của bạn trong quản lý chi tiêu, việc trả những khoản tiền nhỏ nhưng thiếu kiểm soát là nguyên nhân khiến nhiều người chìm trong nợ nần.
Mina Chung - Người sáng lập nền tảng Money With Mina.
Bên dưới là 6 hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng đến cách tiêu tiền vô tội vạ đã được chị Mina Chung - Người sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu đem an tâm tài chính đến với 50 triệu phụ nữ Việt Nam nêu ra. Theo đó, hãy tham khảo ngay để tự “bắt bài” và dần cải thiện thói quen tiêu dùng nhé!
1. Anchoring (Hiệu ứng neo)
Khi đề cập đến việc mua hàng hoặc đưa ra quyết định về tài chính, một người có tâm lý anchoring thường thích gắn giá tiền với mọi thứ. Họ xem chúng như cơ sở hoặc phần thông tin đầu tiên họ nhận được làm tham chiếu hoặc điểm xuất phát.
Mặc dù việc sử dụng cách định giá này nghe có vẻ hợp lý để đưa ra quyết định, nhưng họ có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào chúng, vì thế khi giá bị ảnh hưởng bởi giảm giá, khuyến mãi, họ sẽ rơi vào tình trạng mua hàng mà không suy nghĩ.
Đặc biệt nhiều người còn có thói quen lướt các app mua sắm vào buổi tối. Nhưng đây lại chính là thời điểm chúng ta dễ “yếu lòng” nhất trước hàng loạt mã khuyến mãi. Điều này khiến ta chi nhiều tiền hơn dự kiến, và rồi hối hận vào sáng hôm sau.
2. Herd (Xu hướng đám đông)
Trong tài chính hành vi, thành kiến tâm lý đám đông đề cập đến xu hướng của những người tiêu dùng làm theo hoặc gần như sao chép những gì người khác đang tiêu dùng. Họ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và bản năng, hơn là bởi sự phân tích độc lập của riêng họ.
Theo nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ), một người lớn phải đưa ra trung bình 35,000 quyết định lớn nhỏ mỗi ngày. Từ quyết định ăn gì khi tới bữa, mặc gì để đi làm hay đưa ý tưởng gì cho sếp. Mỗi quyết định đều tiêu tốn của bạn không ít năng lượng, cộng thêm tâm lý sợ bị khác biệt trong tập thể khiến bạn không còn xem xét nặng các khoản chi tiêu.
Vì vậy không khó hiểu nếu bạn ra những quyết định cảm tính và đi theo người khác mỗi khi chi tiêu. Xu hướng muốn bước theo người khác là dễ hiểu, bởi nó khiến chúng ta cảm giác an toàn, ít sợ hãi hơn đứng một mình.
3. Emotional Gap (Tiêu tiền theo cảm xúc)
Não chúng ta luôn thiên vị những phần thưởng nhỏ và tức thì, mua sắm chính là cách dễ nhất để kích thích não bộ sản sinh Dopamine và Endorphin, giúp bạn cải thiện tâm trạng nhanh chóng.
Việc tiêu tiền cho bản thân đã được chứng minh có tác dụng trị liệu tinh thần. Bởi nó vừa cho bạn cảm giác kiểm soát với môi trường xung quanh, vừa mang lại cảm giác thành công khi tiêu tiền mình kiếm vào những gì mình thích.
Thật không may, tiêu tiền để cảm thấy tốt có thể trở thành một thói quen xấu rất khó bỏ. Trợ lý giáo sư tâm lý học Ryan T. Howell của Đại học bang San Francisco viết trên tạp chí Psychology Today rằng hành vi mua sắm lặp đi lặp lại có thể dẫn đến việc sa đọa vào chi tiêu không cần thiết, mặc kệ cho hậu quả có hại về mặt tình cảm, xã hội và tài chính.
4. Mental Accounting (Kế toán nhận thức)
“Kế toán nhận thức” là hiện tượng người tiêu dùng đưa ra quyết định tài chính dựa trên các phán đoán, lập luận cảm tính, bằng cách gán các giá trị, ý nghĩa khác nhau cho một khoản tiền dựa trên cảm xúc tạm thời. Đa số các hành vi cảm tính này đều gây bất lợi cho bản thân nhưng không nhận ra.
Giả sử cùng là 10 triệu đồng nhưng nếu nó là tiền thưởng, bonus thì bạn sẽ tiêu tiền nhanh và dễ dàng mà không dành dụm. Nhưng nếu số tiền đó là tiền lương bạn thức khuya dậy sớm để làm, thì bạn sẽ cân đo đong đếm sát sao các khoản chi tiêu.
Tuy nhiên, tiền “dễ kiếm” cũng không khác gì so với các loại tiền “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà bạn kiếm được từ công việc của mình. Vì vậy, khi phân bổ chi tiêu hãy cố gắng không quá rạch ròi về nguồn gốc của tiền. Nhắc nhở bản thân tiết chế khi có ý định tiêu hoang vào một khoản tiền bạn tự cho là “từ trên trời rơi xuống”.
5. High self rating (Khoe khoang bản thân)
Một trong những biểu hiện của trạng thái high self rating phổ biến nhất là chuyên khoe về những của cải vật chất bạn có được tại nơi công cộng, vì mặc định tài chính của bản thân cao hơn người khác nên được phép khoe với thiên hạ.
Việc khoe khoang bản thân còn có thể xuất phát từ áp lực xã hội và bạn bè đồng trang lứa. Dẫn đến trường hợp luôn đối mặt với áp lực phải sở hữu cho bằng được những thiết bị, loại quần áo và phụ kiện mới nhất, dù không cần thiết. Nhằm mục đích khiến người khác cảm thấy thú vị khi nói về các giao dịch mua mới nhất của bạn và khoe chúng.
Việc tiêu tiền để gây ấn tượng với người khác hoặc khẳng định vị thế của mình là một ý tưởng tồi vì còn có nhiều cách khác nhau để tiêu tiền sẽ giúp bạn hài lòng hơn. Ví dụ như tham gia khoá học cải thiện kỹ năng trong công việc, mua sắm những món đồ đã được cân nhắc là thật sự cần thiết.
6. The latte factor (Hiệu ứng ly cafe sữa)
Có một sự thật rằng đa số bẫy tiêu tiền hoang phí không đến từ những khoản mua sắm lớn mà đến từ những lần chi “lặt vặt” tưởng chừng vô hại. Cụm từ hiệu ứng latte (the latte factor) lần đầu xuất hiện trong cuốn sách cùng tên của David Bach, doanh nhân và tác giả người Mỹ thường viết về tài chính. Quan điểm của Bach xoay quanh latte factor rất đơn giản. Cụ thể, ông cho rằng các chi phí nhỏ nhặt nhưng đều đặn như ly cà phê khiến chúng ta mất nhiều tiền hơn mình nghĩ. Biết cách tận dụng chúng, chúng ta có thể đủ tiền tiết kiệm và đầu tư sinh lời, từ đó nhanh chóng xây dựng sự giàu có.
Hãy xem ly cà phê latte giá 20.000 đồng như một ví dụ. Thay vì mua cà phê cho mình, nếu bạn giữ lại chỉ 20.000 đồng/ngày, bạn sẽ sở hữu thêm 6.720.000/năm. 40 năm sau, số tiền ấy sẽ đạt mốc 858.000.000 đồng (theo lãi gộp tháng 5%). Ngược lại, nếu vẫn giữ thói quen mua ly cà phê hàng ngày, nhiều khả năng bạn sẽ nghèo đi 858.000.000 đồng sau 40 năm.
Đây có thể là số tiền đáng kể đối với nhiều người hoặc không quan trọng lắm so với vài người khác. Nhưng ở một khía cạnh, số tiền này có thể được dùng cho nhiều mục đích thực tế hơn như trả nợ thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên hoặc trả tiền mua máy tính phục vụ cho công việc.
Bạn có nhận ra mình thuộc kiểu tâm lý nào trong 6 hiệu ứng tâm lý tiêu tiền kể trên? Việc nắm bắt được các hiệu ứng tâm lý trong vấn đề tiền bạc sẽ giúp bạn cải thiện các thói quen và quyết định tài chính của mình.