Năm 2022, động lực tăng trưởng tín dụng được dự báo tích cực hơn so với năm 2021 do được hỗ trợ bởi chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước: vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 cho thấy, tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1,82% so với cuối 2021. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, hơn 190.000 tỷ đồng được hệ thống ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo tích cực về kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, nhu cầu tín dụng năm 2022 sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, được hỗ trợ bởi việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Ngoài ra, gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.
Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), cũng kỳ vọng năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ đạt khoảng 14%, gấp đôi tăng trưởng GDP. Cùng với đó, tăng trưởng vốn huy động dự kiến phục hồi lên mức 11%, sau khi tăng rất thấp trong năm 2021 (chỉ 8,4%), trong khi 5 năm trước đó bình quân ở mức khoảng 13,1%/năm.
Nhu cầu về tín dụng cải thiện rõ rệt kéo theo lãi suất liên ngân hàng và lãi suất gửi tiết kiệm tăng theo. Lãi suất liên ngân hàng thời gian qua đã có diễn biến tăng mạnh, thậm chí có thời điểm chạm tới mức 2-3%/năm. Mặc dù vấn đề thanh khoản đã phần nào được cải thiện sau khi NHNN "bơm" tiền vào hệ thống ngân hàng, hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng, xong mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.
Cầu tín dụng tăng mạnh dẫn tới một số ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất huy động. Đứng đầu bảng xếp hạng các ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 3/2022 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mức điều chỉnh tăng từ 0,15 - 0,2%/năm tuỳ kỳ hạn. Ở hầu hết các kỳ hạn (trừ kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng), SCB đều có lãi suất cao nhất thị trường hiện nay. Cụ thể, kỳ hạn 1 và 3 tháng ở mức 4,0%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều 7,0%/năm. Đặc biệt, với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn gửi 13 tháng, SCB niêm yết lãi suất tiết kiệm lên tới 7,6%/năm.
Các ngân hàng khác cũng có những mức lãi suất ưu đãi đối với những khoảng tiền gửi lớn. Như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), mức lãi suất cao nhất của ngân hàng lên tới 7,1%/năm dành cho khoản tiền 100 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng áp dụng lãi suất 7,1%/năm cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng. Tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với số tiền gửi tiết kiệm 500 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 7,0%/năm.
Trong khi lãi suất tiết kiệm biến động tại khối ngân hàng thương mại cổ phần trong những tháng đầu năm 2022, thì tại khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), lãi suất tiếp kiệm tháng 3 không có sự thay đổi so với đầu năm. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1% đến 2%.
Theo các chuyên gia, nhìn chung lãi suất tiết kiệm dân cư vẫn ở mức thấp, lãi suất liên ngân hàng neo cao, huy động trái phiếu Chính phủ sơ cấp đạt tỷ lệ thấp trong khi tín dụng tăng khá mạnh, phần nào cho thấy bức tranh thị trường vốn hiện nay bắt đầu chuyển động và đang dồn áp lực vào kênh tín dụng. Rất có thể từ sau quý II/2022, mặt bằng lãi suất sẽ chuyển động theo hướng tăng mạnh, bên cạnh đó là những mối lo về lạm phát.