Việc chính thức vận hành hệ thống KRX từ ngày 5/5 là bước tiến đáng chú ý trong lộ trình nâng hạng thị trường của Việt Nam. Theo Khối nghiên cứu của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), các yếu tố kỹ thuật then chốt như cơ chế Non-Prefunding (NPF), chuẩn hóa lưu ký – bù trừ – thanh toán, cải cách tỷ lệ sở hữu nước ngoài, mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp và khả năng xử lý hệ thống đã lần lượt được triển khai.

Lộ trình cải cách thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới nâng hạng. Nguồn: Mirae Asset tổng hợp, sơ đồ cập nhật ngày 11/07/2025.
Mirae Asset kỳ vọng Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, với thời điểm giải ngân chính thức dự kiến vào tháng 3/2026. Công ty cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan quản lý hiện đang phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những nút thắt kỹ thuật cuối cùng nhằm hoàn thành mục tiêu nâng hạng trong năm 2025.
Động thái này không chỉ cho thấy quyết tâm cải cách thể chế và hạ tầng thị trường, mà còn tạo ra niềm tin về tính sẵn sàng tiếp nhận dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức quốc tế. Hệ thống KRX cũng được xem là nền tảng cho các cải tiến tiếp theo như mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), bán khống, giao dịch T+0 trên thị trường cơ sở trong tương lai.
Dòng tiền ngoại và triển vọng ngành chứng khoán
Tính đến ngày 11/7, vốn hóa VN-Index đã đạt hơn 238 tỷ USD, mức tương đương hoặc vượt nhiều quốc gia trong rổ FTSE Emerging Markets như Chile (187 tỷ USD) và Qatar (168 tỷ USD). Dựa vào quy mô này, Mirae Asset ước tính Việt Nam có thể chiếm tỷ trọng khoảng 0,7% trong chỉ số FTSE Emerging Markets Index.

Diễn biến vốn hóa thị trường của Việt Nam và các quốc gia tương đồng (triệu USD). Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset tổng hợp.
Nếu kịch bản nâng hạng diễn ra, dòng vốn từ các quỹ ETF sử dụng chỉ số này làm tham chiếu có thể giải ngân vào Việt Nam với quy mô khoảng 621,8 triệu USD. Trong đó, riêng quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với quy mô gần 83 tỷ USD có thể rót khoảng 581 triệu USD vào cổ phiếu Việt Nam.

Dòng vốn tiềm năng vào Việt Nam từ các quỹ ETF theo bộ chỉ số FTSE Emerging Markets. Nguồn: Bloomberg, Mirae Asset tổng hợp.
Mirae Asset cho rằng dòng vốn ngoại sẽ không chỉ đến từ các ETF mô phỏng chỉ số FTSE mà còn bao gồm các dòng vốn chủ động từ các tổ chức đầu tư khác, nhờ yếu tố tín hiệu nâng hạng. Khi dòng vốn quốc tế quay trở lại, thanh khoản thị trường sẽ được cải thiện đáng kể, từ đó hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh – ba trụ cột doanh thu của các công ty chứng khoán.
Trong bối cảnh tâm lý đầu tư chuyển biến tích cực và thanh khoản gia tăng, dư nợ cho vay ký quỹ có thể mở rộng, kéo theo hoạt động tự doanh sôi động hơn. Mirae Asset đánh giá đây là nền tảng tạo kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cho toàn ngành chứng khoán.
Theo Mirae Asset, trong danh mục cập nhật ngày 20/5 của FTSE, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán chiếm tỷ trọng đáng kể trong rổ chỉ số dự kiến được giải ngân khi nâng hạng. Cụ thể, SSI (mã: SSI) chiếm 5,38%, Vietcap (mã: VCI) chiếm 3,2%, VIX (mã: VIX) chiếm 2,62% và VNDirect (mã: VND) chiếm 2,52%. Đây đều là những cổ phiếu có tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 100%.
Tuy nhiên, báo cáo của Mirae Asset cũng cho biết tỷ lệ sở hữu thực tế vẫn còn thấp so với mức trần. Tính đến thời điểm công bố, SSI mới đạt khoảng 39% sở hữu ngoại, tương đương gần 1,2 tỷ cổ phiếu còn có thể được mua thêm. VND còn dư khoảng 1,27 tỷ cổ phiếu và VCI gần 506 triệu cổ phiếu chưa bị khối ngoại nắm giữ.
Kinh nghiệm quốc tế: Tiền đề cho kỳ vọng Việt Nam
Lịch sử nâng hạng của các thị trường mới nổi cung cấp bài học đáng lưu ý. Theo Mirae Asset, trong giai đoạn 1–2 năm trước thời điểm nâng hạng chính thức, các thị trường như Qatar, Saudi Arabia và Romania đều ghi nhận tăng trưởng chỉ số rõ rệt. Cụ thể, Qatar tăng hơn 45% từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2014; Saudi Arabia tăng hơn 23% từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018; Romania tăng hơn 18% từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019.

Kinh nghiệm nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging): Lộ trình và tác động tại các quốc gia. Nguồn: Mirae Asset tổng hợp.
Không chỉ trước khi giải ngân, các chỉ số chứng khoán tại những quốc gia này tiếp tục duy trì đà tăng sau thời điểm được chính thức giải ngân. Tính đến nay, chỉ số Qatar General Index tăng 511% kể từ tháng 9/2013, Tadawul All Share của Saudi Arabia tăng 42% từ thời điểm nâng hạng, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 24,5% kể từ tháng 9/2018 và chỉ số BET của Romania tăng 70,4% từ tháng 9/2020.
Từ những dữ liệu này, Mirae Asset nhận định rằng năm 2025 là giai đoạn phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu tích lũy những cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng. Công ty cho rằng sau thời điểm giải ngân chính thức – thường diễn ra trong vòng 6 đến 12 tháng sau khi được công bố nâng hạng – vốn hóa thị trường thường tiếp tục tăng trưởng bền vững.