Kết quả khảo sát trên toàn quốc gần đây nhất năm 2020 cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%; tỉ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. Trong đó số người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn một nửa người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường là bệnh lí mạn tính, không lây nhiễm. Khi bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu. Tuy nhiên, có thể giảm tác động của bệnh đái tháo đường bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và chăm sóc thích hợp.
![]() |
Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám, xét nghiệm sàng lọc bệnh đái tháo đường cho người dân. |
Tại Hội thảo khoa học “Triển khai theo dõi Glucose máu liên tục cho bệnh nhân đái tháo đường” do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức mới đây, các chuyên gia y tế đã chia sẻ nhiều cập nhật mới về kĩ thuật kiểm soát đường huyết hiện đại, giúp cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
PGS.TS Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – nhấn mạnh: “Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các kĩ thuật hiện đại đã và đang được áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong điều trị bệnh đái tháo đường. Đây là một bước đột phá quan trọng giúp người bệnh kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn, đồng thời giảm gánh nặng cho nhân viên y tế”.
Xu hướng điều trị mới
Theo Hướng dẫn điều trị mới nhất năm 2025 của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, kĩ thuật đo glucose máu liên tục (CGM – Continuous Glucose Monitoring) và bơm insulin (Insulin Pump) được xem là những bước tiến quan trọng trong quản lí, điều trị bệnh nhân đái tháo đường.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt và cho phép triển khai kĩ thuật CGM, bao gồm cả kết hợp CGM với Insulin Pump. Trên cơ sở đó, Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam đã xây dựng hướng dẫn kĩ thuật dành cho các cơ sở y tế, đồng thời giúp bệnh nhân sử dụng thiết bị hiệu quả hơn.
TS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: “CGM là thiết bị cho phép đo đường huyết người bệnh liên tục vài phút một lần, suốt 24 giờ mỗi ngày. Thiết bị sử dụng cảm biến nhỏ, thường gắn ở mặt sau cánh tay hoặc vùng bụng, giúp theo dõi dữ liệu đường huyết cả ngày lẫn đêm mà không cần lấy máu đầu ngón tay như trước”.
Bác sĩ Bảy nhấn mạnh lợi ích của CGM: “Việc hiểu rõ xu hướng biến động đường huyết giúp người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc hiệu quả hơn. Kĩ thuật này phù hợp với hầu hết bệnh nhân đái tháo đường type 1, type 2 và cả phụ nữ mang thai bị đái tháo đường”.
Hiệu quả
Bác sĩ Bùi Phương Thảo – Phó Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường chia sẻ kinh nghiệm điều trị lâm sàng bằng CGM: “Thiết bị này hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết, đặc biệt với các trường hợp khó điều trị như bệnh nhân phải tiêm nhiều mũi insulin mỗi ngày, người có đường huyết dao động mạnh hoặc thường xuyên bị hạ đường huyết về đêm”.
Bác sĩ Thảo cũng trình bày một ca lâm sàng điều trị thành công bệnh nhân đái tháo đường thai kì nhờ sử dụng CGM, mang lại hiệu quả tích cực cả về mặt chuyên môn và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo các chuyên gia, một trong những lợi thế lớn của CGM là giúp bệnh nhân không phải đo máu đầu ngón tay quá nhiều lần trong ngày – một thủ thuật gây đau đớn, phiền toái và dễ khiến bệnh nhân bỏ sót lần đo, đặc biệt vào ban đêm. Điều này giúp giảm nguy cơ hạ đường huyết không phát hiện kịp thời – nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là đột tử.
![]() |
Kiểm tra đường huyết |
“CGM có lợi ích rất lớn trong kiểm soát Glucose máu hiệu quả và an toàn ở các bệnh nhân đái tháo đường trong thời gian dài. Hiểu xu hướng Glucose máu để người bệnh có thể quản lí việc ăn uống, tập thể dục thể thao và dùng thuốc tốt hơn, mà lại không cần thử máu đầu ngón tay, tránh căng thẳng và đau đớn”, TS. Nguyễn Quang Bảy cho biết.
Tuy nhiên, để kĩ thuật CGM phát huy tối đa hiệu quả, theo các chuyên gia, việc đào tạo và hướng dẫn sử dụng cho bệnh nhân là yếu tố then chốt. “Việc kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình sử dụng CGM là cực kì quan trọng. Bác sĩ cần phân tích dữ liệu từ thiết bị để điều chỉnh thuốc phù hợp, trong khi bệnh nhân cần được hướng dẫn cách theo dõi, phản hồi và điều chỉnh hành vi đúng cách”, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy khuyến cáo.