![]() |
Một bùa hộ mệnh wedjat có hình "Con mắt của Horus". Bùa hộ mệnh này được tạo ra vào khoảng năm 1070 đến năm 664 trước Công nguyên và hiện đang ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan tại Thành phố New York.(Ảnh: Purchase, Edward S. Harkness Gift, 1926; The Met; CC0 1.0 Universal ) |
Mắt thần Horus là gì và nó có ý nghĩa gì đối với người Ai Cập cổ đại?
Theo thần thoại Ai Cập, Horus là con trai của Osiris, vị thần của thế giới ngầm. Horus đã chiến đấu với chú mình là Seth để xem ai sẽ là người cai trị Ai Cập. Trong cuộc chiến, Seth đã móc mắt trái của Horus. Nhưng cuối cùng Horus đã chiến thắng, trở thành người cai trị Ai Cập và cuối cùng đã lấy lại được mắt trái của mình. Nó đã được phục hồi "bởi Thoth, vị thần trí tuệ đầu chim ibis", Emily Teeter, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Khảo cổ học Địa Trung Hải của Ba Lan, cho biết.
Hình ảnh miêu tả con mắt trái đã trở thành biểu tượng quyền năng của "Con mắt thần Horus".
"Wedjat là một trong những bùa hộ mệnh mang tính biểu tượng nhất của Ai Cập cổ đại", Kei Yamamoto, nhà Ai Cập học tại Đại học Toronto, chia sẻ. "Bùa hộ mệnh wedjat gắn liền với sự chữa lành và bảo vệ. Đó có lẽ là lý do tại sao loại bùa hộ mệnh này được tìm thấy trong nhiều ngôi mộ, thường có trong các lớp vải bọc xác ướp".
![]() |
"Con mắt của Horus" được khắc trên một tấm vàng. Hiện vật này được tìm thấy trong lăng mộ của pharaoh Ai Cập cổ đại Psusennes I, người đã cai trị hơn 3.000 năm trước. (Ảnh: DEA / S. VANNINI) |
Nền văn minh Ai Cập cổ đại đã tồn tại hơn 3.000 năm và các tập tục liên quan đến Mắt thần Horus đã thay đổi theo thời gian.
"Trong những thời kỳ sau đó, một wedjat lớn làm bằng sáp được đặt trên bụng trái, nơi người ướp xác thực hiện vết rạch trong quá trình ướp xác, để cầu xin sự chữa lành và bảo vệ vùng dễ bị tổn thương", Yamamoto cho biết. Điều này được thực hiện trong thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên
Penny Wilson, phó giáo sư khảo cổ học tại Đại học Durham ở Anh, chia sẻ, đôi mắt là dấu hiệu có thể nhận biết ngay lập tức của sự bảo vệ và trở thành ẩn dụ cho sự toàn vẹn và hạnh phúc.
Wilson cho biết mối liên hệ giữa "Con mắt Horus" với hạnh phúc có thể được áp dụng cho nhiều khái niệm khác về nguồn nước sông Nile, Ai Cập nói chung, phương pháp chữa bệnh và các lễ vật thực phẩm.
"Con mắt của Horus" cũng liên quan đến sự tròn và khuyết của mặt trăng, điều này có thể giúp tăng thêm sức hấp dẫn của nó, Gyula Priskin , nhà sử học cổ đại tại Đại học Szeged ở Hungary cho biết. Câu chuyện về con mắt trái của Horus bị móc ra và phục hồi được so sánh với cách mặt trăng tròn và khuyết, đặc biệt là trong thiên niên kỷ thứ hai và thứ nhất trước Công nguyên.
"Con mắt của Horus" xuất hiện khi nào?
Bùa hộ mệnh Wedjat lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 2200 trước Công nguyên và “Con mắt của Horus” cũng được vẽ trên quan tài và nhà nguyện trong lăng mộ vào thời điểm đó. Nhà nghiên cứu Yamamoto cho biết: "Trong những trường hợp đó, các học giả tin rằng đôi mắt không chỉ cung cấp sự bảo vệ ma thuật cho người đã khuất mà còn cho phép họ nhìn ra thế giới của người sống".
Không rõ tại sao “Con mắt của Horus” lại xuất hiện vào khoảng thời gian của triều đại Ai Cập thứ sáu. Yamamoto lưu ý rằng vào thời điểm đó, người Ai Cập cổ đại bắt đầu viết một loạt các văn bản tôn giáo trên các bức tường của kim tự tháp. Điều này cho thấy người Ai Cập cổ đại đã bắt đầu tiến triển trong các tín ngưỡng tôn giáo của họ. Điều này có thể đã dẫn đến sự phát triển và lan truyền các họa tiết tôn giáo mới như “Con mắt của Horus”.
Wilson lưu ý rằng, “Con mắt của Horus” có thể liên quan đến mỹ phẩm. Chúng ta biết từ thời xa xưa rằng galena và malachite là mỹ phẩm bảo vệ mắt mạnh mẽ được sử dụng, vì vậy đây có thể là một cách để hình dung con mắt được bảo vệ.
Bất kể lý do tạo ra nó là gì, " Con mắt của Horus" đã trở thành biểu tượng gắn liền với Ai Cập cổ đại. Theo Wilson, nó rất linh hoạt, rất theo phong cách Ai Cập.