Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng của tỉnh có xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.
IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 12,31%
Cụ thể, sản xuất công nghiệp của tỉnh có sự phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn (IIP) tháng 8 ước tính tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 15,94% so với cùng kỳ. Đây là chuỗi tăng 6 tháng liên tiếp sau sự sụt giảm vào tháng hai.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 12,31% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 14,90%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,43%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 9,47%, ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,39%.
Thu hút FDI vượt 24,53% kế hoạch giao
Về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 15/8, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 53 dự án FDI, gồm 26 dự án cấp mới và 27 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 498,13 triệu USD, tăng 3,92% về số dự án và tăng 6,38% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, vượt 24,53% kế hoạch giao.
Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất với 268,78 triệu USD (cho 24 dự án), chiếm 53,96% tổng vốn FDI đăng ký. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu tư FDI với 50 dự án; với tổng số vốn 408,13 triệu USD, chiếm 81,93% tổng vốn FDI đăng ký.
990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 15/8, toàn tỉnh có 990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.784 tỷ đồng, giảm 1,69% về số doanh nghiệp, tăng 8,58% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm là 271 doanh nghiệp, giảm 0,73% so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong kỳ là 907 doanh nghiệp, tăng 28,84% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,82%
Trong tháng 8, hoạt động lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên địa bàn tiếp tục ổn định và duy trì được sự tăng trưởng so với tháng trước, giá các mặt hàng thiết yếu nhìn chung ổn định, không có biến động lớn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.913,0 tỷ đồng tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 15,19% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 51.486,9 tỷ đồng tăng 8,82% so với cùng kỳ.
CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,62%
Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,72% so với tháng trước, tăng 2,97% so với cùng kỳ. Giá lương thực, thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng tăng; giá học phí một số trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh tăng trong năm học 2024-2025 là những nguyên nhân chính làm tăng CPI. Bình quân 8 tháng, CPI tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách tăng trên 10%
Tính từ 16/7-15/8, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.775 tỷ đồng, tăng 78,99% so với tháng trước và tăng 69,21% so với cùng kỳ. Lũy kế đến hết 15/8, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 18.776 tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ, bằng 59,11% dự toán giao đầu năm.
Tổng chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/8 đạt 15.556 tỷ đồng, giảm 4,78% so với cùng kỳ, bằng 75,01% dự toán giao đầu năm.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Năm 2024, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 là 7 - 8%, trong khi thu ngân sách Nhà nước là 30,425 tỷ đồng (thấp hơn năm 2023).
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh đã vượt qua khó khăn của năm 2023 và đang dần được phục hồi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế với tốc độ tăng GRDP ước đạt 6,26%.
Với những kết quả khả quan của các lĩnh vực trọng điểm 8 tháng đầu năm sẽ là động lực quan trọng để Vĩnh Phúc bứt phá trong thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu còn lại trong những tháng cuối năm. Từ đó, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong năm 2024.