Tăng trưởng GDP quý I vượt mốc 5%
Ngay trên trang nhất tờ Lao động là bài viết với tựa đề "Tăng trưởng GDP quý I vượt mốc 5% - kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ". Mức tăng này cao hơn tốc độ tăng 4,72% quý I/2021.
Cũng theo tờ báo, những điểm lạc quan trong quý I đến từ khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,45%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, dịch vụ tăng 4,58%.
Sản xuất công nghiệp trong quý I cũng khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Chính phủ và Quốc hội, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài các điểm sáng trong những số liệu của Tổng Cục thống kê công bố, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng có những xu hướng hồi phục tích cực. Vốn đăng ký giảm nhưng vốn giải ngân tăng. Cụ thể, theo báo Đầu tư, vốn giải ngân đạt 4,42 tỷ USD trong 3 tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy một sự phục hồi mạnh. Nhờ sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp đã dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động đây sản xuất kinh doanh. Đó là lý do khiến vốn giải ngân liên tục tăng.
Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Triển vọng khả quan trong cả năm 2022
Theo tờ Thời báo Tài chính, tăng trưởng GDP các quý còn lại của năm 2022 sẽ đạt kết quả khả quan hơn từ các giải pháp thực hiện trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc du lịch mở cửa, sản xuất phục hồi, thu nhập của người lao động tăng lên sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ thị trường phát triển mạnh trên nền tăng trưởng thấp hoặc âm ở 2 năm 2020 và 2021.
Có thể thấy con số GDP tăng dần qua các quý và vượt mốc 5% là dấu hiệu cho thấy, các chính sách phòng, chống dịch linh hoạt kết hợp với hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã phát huy hiệu quả.
Ngoài việc Việt Nam có một nền tảng quan trọng là tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội để có những biện pháp miễn giảm thuế phí cũng phần nào giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Theo báo Hà Nội mới, đại dịch là cú hích để đẩy mạnh cải cách hành chính và khi chính sách ban hành, triển khai càng sớm, cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội càng lớn, việc thực thi cũng phải linh hoạt để vừa là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân và đạt mục tiêu tăng trưởng, vừa giữ được ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của cải cách, báo Đầu tư cho rằng, dù niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã quay trở lại thể hiện qua các con số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thì việc thực thi đúng các cam kết của Chính phủ, theo nguyên tắc "lấy sự hồi phục, phát triển của doanh nghiệp của người dân làm mục tiêu là động lực" chắc chắn sẽ tạo cú hích lớn.
Tiếp sức cho người lao động
Nhắc đến niềm tin kinh doanh quay trở lại thì báo chí trong tuần cũng nhắc tới một chính sách cũng hết sức kịp thời đó là việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Hai nhóm được hỗ trợ là công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm và người lao động trở lại thị trường lao động.
Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho biết mức hỗ trợ cho đối tượng đầu tiên là 500.000 đồng/người/tháng tối đa 3 tháng, phương thức chi trả hàng tháng cùng một số điều kiện như thuê nhà từ 1/1 - 30/6/2022. Còn với nhóm lao động trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng với một số điều kiện. Dự kiến sẽ có trên 3,4 triệu người lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng trên 5.800 tỉ đồng.
Đánh giá đây là một sự sẻ chia hết sức kịp thời là nguồn động viên tinh thần to lớn, góp phần khuyến khích lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc, tờ Người lao động cũng cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục và đẩy nhanh tiến độ triển khai để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động khó khăn.
Trên 3,4 triệu người sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà. Ảnh minh họa: TTXVN
Hai năm vừa qua, người lao động thật sự chật vật vì đại dịch nhưng cũng trong 2 năm đó Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc…
Vì vậy, theo báo Đại đoàn kết, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, người lao động đã góp phần quan trọng giúp nhiều doanh nghiệp không bị gục ngã, phục hồi sản xuất, người lao động bớt khó khăn. Lần này, với việc hỗ trợ tiền thuê nhà là thêm một lần giúp đỡ rất cần thiết, hợp tình hợp lý.
Chính sách là kịp thời và đang có những kỳ vọng lớn cho sự phục hồi. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam bước sang quý II sẽ đối diện với nhiều khó khăn do có độ mở kinh tế lớn, trong khi tình hình địa chính trị phức tạp, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá cả hàng hoá tăng cao… Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cần linh hoạt hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa trong các quý tiếp theo.