Bộ Tài chính phối hợp xử lý dịch vụ "đặt 1 ăn 70"
Thời gian qua, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ "đặt 1 ăn 70", kết quả tính theo 2 số cuối giải đặc biệt xổ số miền Bắc và một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số. Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các vụ việc này theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính phối hợp xử lý dịch vụ "đặt 1 ăn 70".
Bộ Tài chính cũng đã có công văn chấn chỉnh gửi các công ty xổ số kiến thiết tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam và cơ quan chức năng để phối hợp, quản lý giám sát hoạt động kinh doanh xổ số, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm về phân phối vé xổ số sẽ bị xử lý nghiêm.
Bộ Tài chính thông tin theo quy định về pháp luật kinh doanh xổ số, vé xổ số truyền thống chỉ được phép phân phối theo phương thức quy định tại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được Bộ Tài chính cấp hoặc theo hợp đồng đại lý đã ký với doanh nghiệp kinh doanh xổ số (bán trực tiếp cho khách hàng hoặc phân phối qua hệ thống đại lý xổ số).
Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ "đặt 1 ăn 70", kết quả tính theo hai số cuối giải đặc biệt xổ số miền Bắc và một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số có thể là nơi để lợi dụng kinh doanh lô đề một cách hợp pháp, tiềm ẩn tổ chức đánh bạc.
Cục Hàng không giám sát chặt hoạt động của Bamboo Airways
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết sau khi Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam chờ kết luận của cơ quan điều tra, lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Hàng không đều rất quan tâm đến hoạt động của Bamboo Airways.
Cục Hàng không sẽ có báo cáo tổng thể hoạt động của Bamboo Airways lên Bộ Giao thông Vận tải sau khi có thông tin tạm giam với Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết.
Cục Hàng không giám sát chặt hoạt động của Bamboo Airways
“Trước mắt, nhà chức trách hàng không sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của Bamboo Airways trong 3-6 tháng tới. Trong đó, đặc biệt lưu ý vấn đề bảo dưỡng, khai thác tàu bay, huấn luyện đào tạo, duy trì năng định cho đội ngũ phi công, tiếp viên, nguồn nhân lực.''
Người dân gửi ngân hàng hơn trăm nghìn tỷ đồng trong một tháng
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đã đạt gần 13,75 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Thay đổi này tương đương với việc đã có thêm gần 350.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế chỉ trong tháng 1.
Nếu tính từ thời điểm NHNN bắt đầu thống kê số liệu tiền tệ hàng tháng (năm 2012), tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tháng 1/2022 là mức cao thứ hai, chỉ sau tháng 1/2019. Còn nếu xét theo số tuyệt đối, mức tăng gần 350.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm nay là đà tăng mạnh nhất kể từ năm 2012.
Đi cùng mức tăng mạnh của tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, thị trường tiền tệ tháng 1 cũng ghi nhận xu hướng dòng tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp được rút ra khỏi ngân hàng, trong khi dòng tiền của nhóm khách hàng cá nhân đã tăng trở lại ở kênh tiền gửi.
Theo đó, trong tháng 1, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tại ngân hàng đã giảm ròng 1,21%, đạt mức 5,577 triệu tỷ đồng. Như vậy, đã có trên 68.000 tỷ đồng tiền gửi của nhóm khách hàng này bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.
Người Việt vẫn thích mua hàng nội địa hơn hàng xuyên biên giới
Theo khảo sát, phần lớn người tiêu dùng Đông Nam Á (73%) đã xem mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ, trong khi so với 2 năm trước, con số này chỉ đạt mức gần 60%. Bên cạnh đó 67% người tiêu dùng cho rằng các lễ hội mua sắm lớn trong năm có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hành vi mua sắm của họ.
Tại Việt Nam, 81% người được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Đặc biệt, 85% cho biết rằng họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
66% người tiêu dùng luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất. Người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn hàng Việt.
Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vi phạm trên thị trường chứng khoán
Thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch và phát triển bền vững.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán trong nước và quốc tế, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường theo thẩm quyền, đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thông suốt.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra - vào thị trường để có giải pháp điều hành, giám sát phù hợp. Từ đó có biện pháp bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường, không để xảy ra rủi ro mất an toàn.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan này chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong, ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.