Khi thị trường biến động mạnh những phiên giao dịch gần đây, những yếu tố kỹ thuật bị phá vỡ, nhà đầu tư quan tâm đến các khía cạnh khác như định giá thị trường, bức tranh vĩ mô của Việt Nam.
Với nhiều người, góc nhìn thị trường được định giá “đắt hay rẻ” là cơ sở cho quyết định mua nắm giữ hay bán cắt lỗ cổ phiếu, trong đó P/E là một chỉ số được quan tâm lớn nhất.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền do VTV phát sóng mới đây, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán SSI đã có những chia sẻ về định giá thị trường, dòng tiền ngoại cũng như góc nhìn về kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Theo vị chuyên gia này, danh mục cổ phiếu mà Chứng khoán SSI theo dõi được dự phóng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 16 – 17% trong năm 2022. Sang đến năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng xuống mức thấp hơn, còn khoảng 13,3%. Xét về định giá thị trường, dự phóng P/E năm 2023 khoảng 10 lần.
Tuy nhiên, vì mức P/E của nhóm ngân hàng ở mức thấp và giới đầu tư hiếm khi định giá ngân hàng bằng P/E, bởi vậy nếu loại bỏ nhóm ngân hàng, mức P/E dự phóng cho năm 2023 khoảng 11,5 lần. Nếu nhìn dài hạn, mức định giá thị trường khá thấp, cho thấy sự hấp dẫn. Tuy nhiên, trong cách tính P/E vẫn phải lưu ý về con số lợi nhuận doanh nghiệp (E) có thể xấu hơn dự kiến. Cho nên mức P/E khoảng 11,5 lần rất hấp dẫn nhưng phải theo dõi thêm, ông Phạm Lưu Hưng giải thích.
Về yếu tố vĩ mô, mới đây Tổng cục Thống kê công bố số liệu tăng trưởng GDP quý III đạt 13,67%, lũy kế 9 tháng đạt 8,83%, cao nhất từ năm 2011. Kinh tế trưởng của SSI cho rằng mức tăng trưởng cao do nền khá thấp của năm ngoái, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Đây không phải là con số quá tích cực nhưng cũng thể hiện mức hồi phục tốt của Việt Nam.
“Cái chúng ta lưu ý hơn là con số về lạm phát bởi lạm phát tháng 9 và 10 năm ngoái khá thấp, thậm chí âm cho nên CPI của thời điểm này có đi ngang thì so với cùng kỳ vẫn ở mức tăng, mức chấp nhận được. Khi lạm phát có dấu hiệu được kiểm soát, chúng ta phải để ý một số mặt hàng có thể tăng giá như các dịch vụ y tế hay giá điện.
Đến cuối năm khi tình hình khá hơn, có thể lạm phát ở mức kiểm soát được, một số tiêu chí có thể tăng giá như điện. Như vậy, chúng ta cần phải theo dõi thêm”, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI nói.
Về hoạt động xuất khẩu, hàng tồn kho của các nước trên thế giới tăng cao, nên xuất khẩu của Việt Nam sau mùa cao điểm tháng 7 và 8 đang yếu đi. Trong báo cáo gần đây nhất của SSI Research cho thấy góc nhìn không còn tích cực về ngành dệt may.
Chia sẻ thêm về yếu tố dòng tiền trên thị trường, kinh tế trưởng của SSI đánh giá tích cực về dòng tiền ngoại năm nay khi nhiều quỹ mới được ra mắt, dòng tiền từ các quỹ ngoại rót vào các ETF tại Việt Nam làm giảm quy mô bán ròng như trong giai đoạn 2020 – 2022. Đặc biệt các nhà đầu tư châu Á ngày càng nhiều hơn.
So với các quốc gia khác ở khu vực châu Á thì Việt Nam có bức tranh vĩ mô, tỷ giá khá hơn. Tuy nhiên, chúng ta có hấp thu được dòng tiền hay không là vấn đề khác vì số lượng doanh nghiệp niêm yết và IPO ít, thị trường không có nhiều cổ phiếu mới để các nhà đầu tư ngoại tham gia nhiều, ông Hưng đưa quan điểm.