Doanh nghiệp

CEO Gemadept: Lợi nhuận các công ty vận tải biển sẽ giảm từ từ, ngành cảng biển vẫn còn dư địa tăng khi Trung Quốc mở cửa lại

 

 Các thành viên Chứng khoán HSC và Giám đốc của Gemadept tham gia trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư. (Ảnh chụp màn hình).

Tại hội thảo “Tiềm năng ngành cảng biển Việt Nam và lợi thế của Gemadept” diễn ra ngày 29/9, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Gemadept (Mã: GMD) đánh giá tình hình chung của nền kinh tế trong quý IV và nửa đầu năm 2023 sẽ khó khăn do kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái.

Đối với ngành vận tải biển, ông Bình đánh giá, hai năm qua vừa qua, lợi nhuận của các công ty vận tải biển đã đạt đỉnh, bằng kết quả của nhiều năm trước cộng lại. Do đó trong bối cảnh giá cước đã quay trở lại mức trước dịch, lợi nhuận của các công ty vận tải biển sẽ giảm từ từ.

Đối với ngành cảng biển, lãnh đạo Gemadept nhìn nhận ngành sẽ có sự sụt giảm và đối mặt nhiều khó khăn trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn ngành vẫn chưa đạt đỉnh và vẫn còn tăng trưởng khi sản lượng hàng hóa qua cảng được dự báo sẽ hồi phục. Kết quả trong 8 tháng đầu năm, trong bối cảnh lượng hàng thông cảng của cả nước đi ngang, riêng Gemadept chiếm trên 25%sản lượng hàng hóa qua cảng.

Ông Bình dự báo trong năm sau, khi Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ sôi động hơn, là động lực cho sự phát triển của Gemadept.

Tổng Giám đốc Gemadept cho biết, công ty đang thúc đẩy đầu tư hai dự án trọng điểm là Cảng Gemalink Giai đoạn 2 (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và dự án Cảng Nam Đình Vũ Giai đoạn 2 (TP Hải Phòng).

Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ chào bán 100,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, trong số tiền hơn 2.009 tỷ đồng thu về được, doanh nghiệp ngành cảng biển này sẽ dùng 1.000 tỷ đồng để tăng vốn góp vào chủ đầu tư dự án Cảng Gemalink giai đoạn 2; 800 tỷ đồng sẽ được dùng để tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ, nhằm thực hiện đầu tư dự án cùng tên mở rộng giai đoạn 2.

Tổng Giám đốc Gemadept cho biết, dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 sẽ đưa vào hoạt động đúng tiến độ là vào quý I/2023. Còn Cảng Gemalink đang được xúc tiến các thủ tục và dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm nay.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về lợi thế của Gemalink, lãnh đạo Gemadept cho biết, cảng Gemalink là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và có thể đón các tàu có trọng tải lớn trên thế giới. Hơn nữa, khu vực cảng tại TP HCM đã vượt công suất trong nhiều năm qua, bao gồm cả Cảng Cát Lái. Do đó xu hướng chuyển dịch từ TP HCM sang Bà Rịa Vũng Tàu là điều tất yếu. Hiện tốc độ tăng trưởng của khu vực Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu) là 20%/năm, cao hơn trung bình cả nước là 13%/năm.

Hoạt động cảng biển khu vực TP HCM đang có xu hướng dịch chuyển về vùng Cái Mép Thị Vải. (Ảnh chụp màn hình).

Đến năm 2025, Gemadept đặt mục tiêu ghi nhận sản lượng container sẽ gấp ba lần năm 2020, lợi nhuận phấn đấu xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, gấp ba lần năm 2020. Nửa đầu năm, Gemadept lãi sau thuế 654 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.

Khi được cổ đông hỏi về kết quả 9 tháng đầu năm, Giám đốc tài chính của Gemadept chỉ cho biết kết quả khả quan, dù có những lo ngại sẽ sụt giảm trong quý IV. Nhìn chung, vị lãnh đạo này tự tin công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.200 tỷ đồng và sẽ sớm thực hiện được tầm nhìn năm 2025.

 Kế hoạch kinh doanh đến năm 2025 của Gemadept. (Ảnh chụp màn hình).

Tại buổi chia sẻ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Bình cho biết công ty đang có kế hoạch mở rộng thêm trung tâm phân phối, nhằm tăng tỷ lệ giữa sở hữu và thuê để khai thác. Gemadept đang cùng với đối tác để tìm kiếm mua các trung tâm phân phối này nhưng hiện giờ ông Bình chưa thể chia sẻ trước.

Ông Bình cũng cho rằng việc đầu tư vào CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCSC) không đơn thuần chỉ là nhận cổ tức. Hiện SCSC đang nắm 40% thị phần vận chuyển hàng hóa tại sân bay. Công ty đang cố gắng gia tăng thị phần và đầu tư vào các ngành ngách và trọng điểm.

Về mục tiêu thoái vốn vườn cao su như đã đề cập tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, đại diện Gemadept cho biết do dịch nên quá trình tiếp cận các nhà đầu tư khá khó khăn nên bị kéo dài. Công ty sẽ cố gắng thoái vốn mảng cao su sớm nhất năm nay hoặc đầu sang năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm