Các cơ chế ưu đãi cho nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu lớn thứ 2 ở Việt Nam được Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị chủ sở hữu, quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất gửi các cấp có thẩm quyền.
Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 12/2014. Nhưng sau đó dự án bị chậm tiến độ do các nguyên nhân liên quan tới thiết kế tổng thể, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thu xếp vốn... Vì thế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và BSR báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy mô, cấu hình công nghệ, tiến độ... của dự án.
Theo đề án điều chỉnh, quy mô công suất sẽ giảm từ 192.000 thùng một ngày xuống còn 171.000 thùng, đạt tiêu chuẩn Euro V. Dầu thô thiết kế cho sản xuất là Azeri BTC/ESPO, thay vì dầu ESPO/Murban như phương án trước đây.
Tổng mức đầu tư điều chỉnh cũng giảm 0,54 triệu USD so với phương án được phê duyệt năm 2014, về gần 1,26 triệu USD.
BSR - chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Lọc dầu Dung Quất đề nghị được áp dụng các giải pháp đặc cách, cơ chế ưu đãi, như cho phép họ đàm phán, ký mở rộng hợp đồng với các nhà bản quyền công nghệ đang có hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ với công ty BSR.
Chủ đầu tư cũng kiến nghị cho phép họ được thực hiện các giải pháp triển khai nhanh, song song hoặc rút gọn các bước công việc để đạt yêu cầu tiến độ dự án.
Để đạt hiệu quả kinh tế khi nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR kiến nghị Thủ tướng cho hưởng cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% sau 30 năm hoàn thành dự án; 4 năm đầu miễn thuế từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; xem xét, giãn lộ trình miễn thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% thêm 4 năm, tức tới 2028, để giúp Lọc dầu Dung Quất kinh doanh bình đẳng với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ngoài ra, BSR cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho ngân hàng thương mại tăng hạn mức tín dụng vượt giới hạn để cho vay và cấp bảo lãnh vay vốn với dự án. BSR được giải ngân tiền vay, bảo lãnh vay bằng ngoại tệ để thanh toán cho dự án; được giải phóng gần 2.740 tỷ đồng tại OceanBank...
Trước đề xuất của PVN, BSR, hầu hết bộ, ngành khi góp ý đều đồng tình chủ trương điều chỉnh dự án nâng cấp, mở rộng Lọc dầu Dung Quất. Bởi, dự án không còn hiệu quả, khả thi nếu tiếp tục làm theo các cơ sở dữ liệu đã được phê duyệt trước đây.
"PVN, BSR chịu trước nhiệm trước Thủ tướng về tính chính xác của thông tin, dữ liệu báo cáo", Bộ Quốc phòng đề nghị.
Bộ Tài chính lưu ý PVN, BSR một số yếu tố ảnh hưởng tới mô hình tài chính, hiệu quả kinh tế dự án, như chi phí tài chính, cung cầu thị trường và dự báo về biên độ lợi nhuận lọc dầu, rủi ro lạm phát, chi phí nguyên vật liệu... ảnh hưởng tới thời gian hoàn vốn, có lãi của dự án.
Về kiến nghị được hưởng cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi hoàn thành dự án, Bộ này đề nghị BSR đối chiếu quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các luật sửa đổi với điều kiện thực tế của dự án để làm đúng quy định.
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc Thủ tướng, nên bộ đề nghị cần có báo cáo giải trình, đánh giá cụ thể phương án đầu tư với quy mô 171.000 thùng và 192.000 thùng một ngày, làm rõ tính khả thi, khối lượng, giá trị... từng phương án.
Hồ sơ điều chỉnh cũng phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho dự án đã đề xuất, đầy đủ các quy định về đầu tư xây dựng.
Với kiến nghị điều chỉnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu cho đến khi dự án hoàn thành, Bộ Công Thương cho rằng chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng yêu cầu về nâng cấp chất lượng xăng dầu, phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình tiêu chuẩn chất lượng, khí thải của Việt Nam.
Việc giảm quy mô công suất, tổng vốn đầu tư sẽ giảm nhu cầu sử dụng đất của dự án. Theo giấy chứng nhận đầu tư cấp tháng 12/2014, diện tích sử dụng của dự án là hơn 304 ha, trong đó khoảng 108,2 ha mặt đất, 196 ha mặt biển.
Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh, diện tích đất sử dụng còn lại là trên 41 ha. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị PVN, BSR có chiến lược, kế hoạch triển khai các dự án sau lọc dầu để khai thác hiệu qủa phần đất chưa sử dụng hoặc giao lại cho Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp Quảng Ngãi để thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hoá dầu, hoá chất phù hợp.