Ưu tiên các trục chính nối đô thị - công nghiệp - cảng biển - logistics
Hôm qua (1.7), ngày đầu tiên chính thức hoạt động sau khi sáp nhập, TP.HCM đã điều chỉnh một loạt hoạt động giao thông để phù hợp với không gian địa lý mới. Cụ thể, bên cạnh việc tổ chức xe đưa đón cán bộ, công chức, người lao động từ 2 trung tâm hành chính Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, tuyến metro số 1 cũng được tăng tần suất, điều chỉnh thời gian hoạt động.

Hạ tầng kết nối 3 trung tâm hành chính mới của TP.HCM đang được gấp rút triển khai
ẢNH: PHẠM HỮU
Có thể nói, vai trò của hệ thống giao thông có sức chuyên chở lớn như metro đối với một siêu đô thị như TP.HCM hiện nay càng trở nên cấp bách. Thế nên trước thềm sáp nhập, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã gấp rút hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro) thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo dài). Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết việc đầu tư tuyến đường sắt này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải giao thông cho các tuyến đường bộ huyết mạch như QL13, Mỹ Phước - Tân Vạn, vốn đang chịu áp lực lớn. Trong bối cảnh hợp nhất "về chung một nhà" với TP.HCM, việc đầu tư dự án metro này càng trở nên cần thiết để tăng cường kết nối vùng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ, hình thành một vùng có tiềm lực kinh tế mạnh. Dự án được đề xuất thực hiện ngay trong giai đoạn 2025 - 2031 bằng hình thức đầu tư công. Trong quy hoạch cũ, trung tâm hành chính Bình Dương cũng có 12 tuyến metro với tổng chiều dài 305 km.
Trong khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến xây dựng 3 tuyến metro dài khoảng 125 km, bao gồm một tuyến metro số 3 đi qua Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ và kết nối với sân bay Long Thành. Như vậy, nếu cộng với 12 tuyến metro tổng chiều dài khoảng 510 km mà TP.HCM đã đưa vào quy hoạch chung, tổng mạng lưới metro của TP.HCM sau sáp nhập lên tới gần 1.000 km, chạy xuyên tâm, nội thị, kết nối tới các cảng biển, các khu công nghiệp tại 2 trung tâm hành chính mới.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết con số gần 1.000 km metro hiện là cộng gộp quy hoạch của từng trung tâm hành chính trước khi sáp nhập. UBND TP đã giao MAUR phối hợp cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu cập nhật lại quy hoạch chung của TP.HCM, trong đó có quy hoạch mạng lưới metro. Tinh thần chung sẽ là điều chỉnh theo hướng tích hợp, không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân của một siêu đô thị mà còn là trục kết nối các cực tăng trưởng để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cùng với mạng lưới đường sắt đô thị, hàng loạt dự án giao thông kết nối 3 trung tâm hành chính của TP.HCM mới cũng đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Trong đó dự án đường Vành đai 3 dài 76 km dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật đoạn trên cao từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành đến nút giao Tân Vạn vào cuối năm nay, hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026. Hiện nay, cầu Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 đã thông xe kỹ thuật, mở ra hướng đi mới từ TP.Thủ Đức sang Nhơn Trạch, rút ngắn quãng đường đến QL51. Các dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2026) và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khi kết nối với Vành đai 3, sẽ tạo thành mạng lưới giao thông liên thông, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến Vũng Tàu.
Song song, Vành đai 4 TP.HCM dài 207 km vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự kiến sẽ khởi công ngay đoạn qua Bình Dương dài 47,95 km. QL13, tuyến huyết mạch nối TP.HCM và Bình Dương, cũng đang được nâng cấp toàn diện. Đoạn qua Bình Dương đang mở rộng lên 8 làn xe, trong khi đoạn qua TP.HCM sắp được mở rộng lên 10 làn xe, với tổng vốn đầu tư gần 21.000 tỉ đồng. Con đường giúp liên kết các đô thị vệ tinh của TP.HCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối hệ thống cảng biển (gồm Cái Mép - Thị Vải, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An), hệ thống cảng cạn (ICD), cảng thủy nội địa, khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành vành đai công nghiệp. Cùng với đó, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vừa khởi công hồi tháng 2 dự kiến hoàn thành năm 2027 sẽ trực tiếp kết nối vùng lõi TP.HCM với trung tâm hành chính Bình Dương, Đồng Nai và khu vực Tây nguyên.
Ngoài ra, tuyến đường ven biển phía nam TP.HCM cùng phương án xây cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu cũng đã được tính đến. TP.HCM xác định sẽ triển khai hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, ưu tiên các trục chính kết nối đô thị - công nghiệp - cảng biển - logistics đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn mới.

Giao thông là yếu tố tiên quyết để thúc đẩy các cực tăng trưởng kinh tế TP.HCM đột phá sau sáp nhập
ẢNH: LÊ LÂM
Cấp bách hoàn chỉnh quy hoạch để định hướng mở đường
TS Dương Như Hùng, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: Trước đây, không gian của TP khá nhỏ, nguồn lực chưa đủ lớn, địa phương nào lo phần địa phương đó nên việc triển khai kết nối đường sắt đô thị khá khó khăn. Hiện nay, với việc sáp nhập 3 cực tăng trưởng cùng với chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân đang "nóng" trên mọi mặt trận, TP.HCM mới sẽ có đủ không gian, thêm cơ hội huy động các nhà đầu tư lớn và tăng quỹ đất để thiết kế lại mạng lưới giao thông công cộng bao gồm cả metro cùng hệ thống xe buýt. Bên cạnh đó, một số cơ sở hành chính, tài chính… sẽ được dịch chuyển để phù hợp với định hướng phát huy thế mạnh của từng cực tăng trưởng, tạo thêm không gian cho giao thông trong nội thành.
"Phát triển giao thông công cộng sẽ là ưu tiên hàng đầu để TP.HCM giải quyết nhu cầu di chuyển, giao thương rất lớn sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Song song, hệ thống đường xuyên tâm, đường vành đai, cao tốc kết nối liên vùng đã có trong quy hoạch cần phải đẩy nhanh triển khai sớm. TP cần thay đổi tổ chức, cách thức vận hành bộ máy hành chính, áp dụng tối đa công nghệ, chuyển đổi số để giảm về mức tối thiểu việc di chuyển cơ học của đối tượng cán bộ, người lao động giữa các trung tâm hành chính", TS Dương Như Hùng đề xuất.
Theo TS Dương Như Hùng, hiện mỗi đơn vị hành chính đang quy hoạch theo hướng tối ưu hóa cho một địa phương nhỏ. Để xác định mạng lưới giao thông giai đoạn tới triển khai như thế nào, TP.HCM cần nhanh chóng bổ sung hoàn thiện quy hoạch chung sau mở rộng. Khi có quy hoạch chắc chắn, chi tiết thì hệ thống giao thông vận tải mới được thiết kế phát huy đúng công dụng, tránh triển khai lộn xộn, lãng phí.
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng đã gửi văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo triển khai thực hiện báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch (kinh tế - xã hội) TP.HCM mới trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành, trong đó đề xuất TP.HCM mới cần tái cấu trúc lại các khu vực phát triển để phát huy các lợi thế của 3 địa phương trước đây, tránh hiện tượng các dự án phát triển kinh tế cạnh tranh với nhau, gây lãng phí nguồn lực xã hội và giảm hiệu quả đầu tư.
Theo đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP.HCM mới phát triển đô thị đa trung tâm, trong đó khu đô thị trung tâm là khu vực nội thành cũ của TP.HCM, các khu đô thị vệ tinh là các phường đô thị trung tâm của huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, TP.Thủ Dầu Một và TP.Vũng Tàu trước đây. Các khu đô thị phụ trợ gồm các phường thuộc huyện Bàu Bàng và các thành phố Bến Cát, Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, Phú Mỹ và Bà Rịa trước đây.