Kinh doanh

"Lên đời" hộ kinh doanh

Đường đi len lỏi của hàng lậu

Tháng cao điểm phòng chống hàng kém chất lượng, hàng giả nhái, hơn 5.000 cửa hàng, hộ kinh doanh trên tuyến phố, chợ truyền thống đồng loạt đóng cửa. Một trong những nguyên nhân do hộ kinh doanh không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, lo sợ bị xử phạt. Cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ việc buôn bán hàng không có hoá đơn, mua bán trôi nổi, hàng nhập lậu.

Từ thực tế này, PV Tiền Phong đã lần đường đi của hàng lậu vào Việt Nam. Hàng lậu (quần áo, vải may mặc, mỹ phẩm, đồ gia dụng) được đầu mối vận chuyển xuyên biên giới, giao hàng tận nơi ở Hà Nội, len lỏi vào nhà xưởng sản xuất, hộ kinh doanh.

Trong vai người nhu cầu nhập hàng, chúng tôi liên lạc với hàng loạt đơn vị vận chuyển hàng hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Sau khi liên hệ qua điện thoại với Cty CP T.V.T (địa chỉ đăng ký tại Móng Cái, Quảng Ninh), nhân viên tư vấn giới thiệu tên L.M cho biết, giá vận chuyển “hàng xách tay”, tiểu ngạch từ Trung Quốc về Việt Nam mức 25.000 đồng/kg, vận chuyển sau khi hàng về tới Việt Nam. Khi hỏi mong muốn có hoá đơn đóng thuế, nhân viên này cho biết, phải hàng theo lô với số lượng lớn, thường đưa về kho hàng.

Anh L.M cũng hướng dẫn tới kho chuyển hàng tại xã Đông Anh (Hà Nội) tham quan. Đi sâu vào con đường nhỏ ven đê sông Đuống, gần gầm cầu Đông Trù, kho chứa hàng có mái tôn cao khoảng 8m, rộng cả nghìn mét vuông. Anh K - người trông coi cửa hàng đón chúng tôi, tiết lộ rằng, hàng chuyển từ Trung Quốc về Hà Nội trung bình khoảng 3-4 ngày.

Với hàng tiểu ngạch, khi về nội địa, nếu khách có nhu cầu giao sẽ được anh K chuyển đến tận nơi theo cước phí nội địa. Đơn vị vận chuyển có hệ thống xe tải chở hàng, gửi xe khách đảm bảo đến tay khách hàng.

Bên ngoài kho chứa, các container được cải tạo trở thành nơi chứa hàng do cá nhân mua livestream ở sàn thương mại điện tử Trung Quốc. Người xem livestream đặt hàng, về tới Hà Nội sẽ được anh K phân loại, giao.

'Lên đời' hộ kinh doanh ảnh 1

Kho hàng của Cty CP T.V.T tại Hà Nội

Đây chỉ là một trong số hàng loạt đầu mối giới thiệu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục liên lạc với Cty TNHH V.Đ (Lạng Sơn) dịch vụ vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Tư vấn qua điện thoại, nhân viên tự giới thiệu đại diện Cty TNHH V.Đ cho biết, cước phí vận chuyển vải may mặc số lượng ít 21.000 đồng/kg, số lượng lớn giảm còn 5.000-7.000 đồng/kg.

“Giá vận chuyển này chưa gồm chi phí nộp thuế, thủ tục hải quan. Chỉ lô hàng lớn, bên anh mới khai thuế, hải quan, lô hàng nhỏ không có, đi đường tiểu ngạch. Bên anh có hệ thống kho hàng ở Trung Quốc (Chiết Giang, Quảng Châu, Bằng Tường) và kho lẻ tại xã Dương Nội (Hà Nội) ”, nhân viên V.Đ nói.

Vận chuyển về Hà Nội, hàng lậu từ các đầu mối toả ra chợ dân sinh, qua chợ đầu mối, len lỏi tới hộ kinh doanh trên cả nước. Trước đây, nhiều mặt hàng tiểu thương nhập từ các chợ đầu mối ở Hà Nội như Đồng Xuân, Ninh Hiệp hoặc đặt may gia công ở làng nghề sử dụng hoá đơn bán lẻ viết tay.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng tuyên truyền sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền, trùng thời điểm tháng cao điểm phòng chống hàng lậu, hàng giả, nhiều hộ kinh doanh bỗng dưng thành người bán hàng lậu.

Tiểu thương tấp nập đăng ký thuế

Vốn được mệnh danh thủ phủ vải vóc, quần áo hàng đầu miền bắc, từ đầu tháng 6 tới nay chợ Ninh Hiệp (xã Phù Đổng, Hà Nội) vắng vẻ lạ thường. Một số cửa hàng còn mở cửa cũng đìu hiu, nhân viên ngồi lướt điện thoại, khách mua thưa vắng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa diễn ra (cuối tháng 6/2025), các địa phương cho biết, 6 tháng đầu năm 2025 bắt giữ, xử lý 50.736 vụ việc vi phạm. Trong đó, 10.862 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 36.604 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.532,6 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.875 vụ, 3.235 đối tượng.

Trái ngược với khung cảnh đìu hiu cửa hàng, tuyến phố và chợ, chúng tôi có mặt tại UBND xã Phù Đổng, dù trong giai đoạn nước rút bàn giao để kịp chuyển đổi mô hình hoạt động, phòng hỗ trợ thủ tục đăng ký kê khai, hướng dẫn thủ tục nộp thuế nhộn nhịp. Một cán bộ UBND xã Phù Đổng cho biết, túc trực liên tục hướng dẫn hộ kinh doanh đăng ký thủ tục thuế để người dân buôn bán chợ Ninh Hiệp thuận lợi làm thủ tục.

Chúng tôi theo chân chị Nguyễn T.D (xã Phù Đổng, Hà Nội) làm thủ tục kê khai thuế. Ngay cổng vào Đội thuế huyện Gia Lâm (nay là Thuế cơ sở 12 TP Hà Nội), nhân viên bảo vệ hỏi thông tin kê khai để phân luồng vào từng khu vực đội thuế quản lý địa bàn. Hộ kinh doanh quần áo, vải vóc được hướng dẫn vào phòng hỗ trợ cá nhân, hộ kinh doanh số 1.

Chị T.D được hướng dẫn làm tờ khai thuế, biên bản làm việc về việc hỗ trợ, tuyên truyền, khảo sát hạ tầng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Cùng với hướng dẫn của cơ quan thuế, hộ kinh doanh được đơn vị cung cấp phần mềm hướng dẫn xuất hóa đơn điện tử.

Một trong những nỗi lo của hộ kinh doanh đóng cửa tại Ninh Hiệp là xử lý hàng tồn kho như thế nào. Cán bộ Cục Thuế cho biết, hộ kinh doanh có thể gặp cơ quan thuế trực tiếp quản lý để xin hóa đơn xuất từng lần cho số hàng hóa tồn trong kho.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, đại diện đơn vị quản lý thuế xã Phù Đổng cho biết, chưa nhận được hướng dẫn đối với việc xuất hóa đơn từng lần cho hàng hóa của hộ kinh doanh.

Theo ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục thuế, đã đến lúc truy xuất hoá đơn để chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Khi “làm sạch” nguồn gốc, chi phí tuân thủ của hộ kinh doanh, doanh nghiệp gần như triệt tiêu. Các mặt hàng nhập lậu, không có nguồn gốc rõ ràng cần được loại trừ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị, hộ kinh doanh nên rà soát toàn bộ hàng tồn kho, loại trừ hàng hóa nguồn gốc không hợp pháp (gồm: hàng giả, hàng lậu, hàng trộm cắp nếu có).

Đề xuất phân loại theo doanh thu

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Trưởng ban Chính sách, thuế quốc tế (Cục Thuế) cho biết, theo dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, từ ngày 1/1/2026, thuế khoán sẽ bị xoá bỏ. Hộ và cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang hình thức tự kê khai, tự nộp thuế, đồng thời phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn và tuân thủ hậu kiểm của cơ quan thuế.

Các hộ kinh doanh sẽ được phân loại theo doanh thu để áp dụng phương pháp quản lý phù hợp, với 4 nhóm tương ứng mức doanh thu.

Cụ thể, nhóm 1: dưới dưới 200 triệu đồng/năm. Nhóm 2: 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm. Nhóm 3: 1 - 3 tỷ đồng/năm (với lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng), 1 - 10 tỷ đồng/năm (với lĩnh vực thương mại, dịch vụ). Nhóm 4: trên 10 tỷ đồng/năm. Hộ kinh doanh tự khai doanh thu, cơ quan thuế hậu kiểm. Hộ kinh doanh vi phạm sẽ bị xử phạt và ấn định mức thuế phải nộp.

'Lên đời' hộ kinh doanh ảnh 2

Nhiều hộ kinh doanh xếp hàng chờ làm thủ tục thuế tại Hà Nội

“Sau khi xóa thuế khoán, hộ kinh doanh nhóm 1, nhóm 2 khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử. Lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho hộ kinh doanh nhóm 2 từ 2027 - 2028.

Hộ kinh doanh nhóm 3 và nhóm 4 thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ”, bà Hằng nói.

Báo cáo đánh giá tác động Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính cho biết, việc duy trì quy định thuế khoán sẽ khiến thất thu với hộ kinh doanh lớn. Năm 2024, có hơn 4.000 hộ kinh doanh doanh thu trên 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hơn một nửa số hộ kinh doanh lớn này vẫn nộp thuế khoán rất thấp, khoảng 0,4% doanh thu, trong khi, hộ kê khai nộp thuế 25-30% doanh thu. Điều này gây ra sự bất công bằng, cạnh tranh không lành mạnh do mức thuế kê khai bằng 5 lần thuế khoán. Việc không theo dõi được dòng tiền thực tế của 286.000 hộ kinh doanh doanh thu 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng tạo rủi ro về rửa tiền, gian lận thuế.

Nhóm phóng viên

Các tin khác

Giá xăng dầu đồng loạt giảm

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều nay 3.7, giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm so với giá điều hành ngày 1.7.

Khi thị trường biến động - cơ hội để BSR tăng tốc

Thị trường dầu mỏ thế giới nửa đầu năm 2025 tiếp tục biến động do căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Iran và Israel khiến nguồn cung bị gián đoạn, chuỗi cung ứng rối loạn và giá dầu Brent biến động mạnh theo chu kỳ ngắn. Tại Việt Nam, các nhà máy lọc dầu, trong đó có Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất do Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vận hành, chịu sức ép kép từ thị trường nhập khẩu giá rẻ và sự bất ổn giá nhiên liệu.

Tưởng mắc ung thư dạ dày, ai ngờ bị một dạng rối loạn tâm thần

Đau bụng kéo dài, đi khám khắp nơi, được chẩn đoán viêm dạ dày, uống theo bác sĩ kê đơn nhưng bệnh không khỏi. Bệnh nhân được thực hiện thủ thuật cắt dạ dày nhưng vẫn không hết đau. Khi đến với Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thì hóa ra bị rối loạn dạng cơ thể.

Nhiều doanh nghiệp khất nợ lãi trái phiếu

Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh không thể trả tiền lãi gần 10 tỷ đồng, Công ty CP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông chậm thanh toán lãi trái phiếu gần 31 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát khất nợ 5 tỷ đồng tiền lãi của trái phiếu.

7 nhóm người nên hạn chế ăn vải

Vải thiều ngọt, thơm, giàu dưỡng chất nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây sốt, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt nguy hiểm với người tiểu đường, trẻ nhỏ, thai phụ.

Giá vàng tăng rất mạnh

Sáng nay (2/7), giá vàng tăng rất mạnh lên cao nhất trong vòng 1 tháng nay. Theo đó, vàng miếng SJC tiến sát mốc 121 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn cao nhất lên 118,5 triệu đồng/lượng.

Sáp nhập mở rộng TP. HCM tạo xung lực dịch chuyển dân cư

Việc sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP. HCM không chỉ mở rộng địa giới hành chính, mà còn đặt nền tảng cho chiến lược tái cấu trúc đô thị, tạo động lực thúc đẩy làn sóng dịch chuyển dân cư ra khỏi khu vực nội đô đang quá tải.

Doanh nghiệp nợ cổ tức hơn chục năm

Theo lịch chốt quyền để trả cổ tức, Công ty CP Sông Đà 12, Công ty CP Sông Đà 4, Công ty CP Simco Sông Đà… đang nợ tiền cổ tức của cổ đông, phải xin gia hạn chi trả nhiều lần.

Cẩn thận trò lừa "cập nhật dữ liệu"

Nhiều ý kiến kêu gọi người dân cảnh giác với những chiêu trò lợi dụng việc sáp nhập tỉnh thành để lừa đảo và đề nghị cơ quan chức năng quyết liệt trấn áp loại tội phạm này.

Nguyên nhân tê tay khi ngủ dậy

Tỉnh dậy với tình trạng tê bàn tay hoặc cánh tay có thể là thiếu vitamin B12, ngủ sai tư thế hay do hội chứng ống cổ tay, thoái hóa đốt sống cổ, ảnh hưởng của bệnh tiểu đường...