Thời sự

Kịch bản nào để kinh tế đạt mức tăng 8,5% năm nay?

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định sự phục hồi của các hoạt động công nghiệp sẽ được tiếp tục cả trong ngắn hạn do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vốn bị ảnh hưởng bởi phong tỏa kéo dài và dài hạn khi xu hướng Trung Quốc +1 tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Khối phân tích cũng kỳ vọng doanh số bán lẻ sẽ tiếp tục tăng sau hai năm đại dịch cũng như lượng khách quốc tế dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm do khách du lịch có thời gian lên kế hoạch cho các chuyến đi và các thủ tục du lịch liên quan đến COVID sẽ ngày càng đơn giản hơn.

Các chuyên gia tại đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 lên dao động trong khoảng 6,8% - 8,5%.

 

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm khủng hoảng giá lương thực toàn cầu có thể là cơ hội cho nhiều nông sản Việt Nam tiếp tục giành được thị phần xuất khẩu trên toàn cầu, đặc biệt là gạo và các sản phẩm thủy sản. 

Bên cạnh đó, sự phục hồi liên tục của tất cả các hoạt động công nghiệp sau khi chuyển từ chiến lược Zero-COVID sang chiến lược sống chung với COVID-19 ở các khu vực kinh tế và công nghiệp lớn cùng với nhu cầu toàn cầu tăng cao sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về đầu tư và xuất khẩu

Ngoài ra, động lực còn đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của các lĩnh vực dịch vụ, sau khi nới lỏng tất cả các hạn chế liên quan đến COVID-19 đối với các hoạt động dịch vụ.

ACBS cũng điều chỉnh nhẹ kỳ vọng CPI năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,5% - 4,1% (so với dự báo 3,5% - 4,0% trong báo cáo tháng trước) và vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Một trong những rủi ro mà ACBS đang theo dõi chặt chẽ là giá hàng hóa trên toàn cầu tăng, đặc biệt là đối với lĩnh vực thực phẩm, vốn vẫn chưa dẫn đến áp lực lạm phát lớn ở Việt Nam như ở nhiều nước khác. 

 

Công ty cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm nay. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng GDP có thể lên tói 8,5%.

Kịch bản này giả định kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng tốc trong quý III và IV, hoạt động công nghiệp tiếp tục tăng tốc, lĩnh vực dịch vụ phục hồi hoàn toàn trong hai quý cuối năm. Lạm phát đạt đỉnh và duy trì ở mức này cho đến hết nửa cuối năm 2022.

Về mặt chính sách, giả định gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 337.000 tỷ đồng, đặc biệt là gói phát triển cơ sở hạ tầng (113.850 tỷ đồng) sẽ sớm được giải ngân trong quý III và IV. NHNN sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới trong quý III.

Chính sách tiền tệ có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. NHNN có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ đây cho đến hết năm 2022 tối đa 50 điểm phần trăm (tăng 0,5%).  Ngoài ra, giả định COVID-19 không bùng phát. 

Trong kịch bản kém lạc quan hơn, khối phân tích dự báo tăng trưởng có thể đạt mức 6,8%. Các giả định chính bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý III và IV. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng, hoạt động công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ phục hồi chậm do nhu cầu toàn cầu suy yếu, khu vực dịch vụ không thể phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm.

Ngoài ra, giả định lạm phát tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức 4%. Gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính 337.000 tỷ đồng, đặc biệt là gói phát triển cơ sở hạ tầng (113.850 tỷ đồng) sẽ sớm được giải ngân nhưng chậm và có thể kéo dài đến quý IV.

Về chính sách tiền tệ, giả định NHNN sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới trong quý IV. Chính sách tiền tệ có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. NHNN có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản từ đây cho đến hết năm 2022 từ 50 – 75 điểm phần trăm (0,5% - 0,75%) và dịch COVID-19 bùng phát nhẹ tại các thành phố lớn. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm