Thời sự

Khủng hoảng ở Anh: Ngân hàng thực phẩm cho người nghèo từ chối nhận quyên góp khoai tây vì chi phí nấu chúng quá cao

Theo tờ The Guardian, nhiều ngân hàng thực phẩm cho người nghèo tại Anh hiện đã phải từ chối nhận quyên góp khoai tây vì không đủ tiền điện để nấu chúng. Tình trạng này đang ngày một lan rộng với cả các hộ gia đình nghèo lẫn nhiều nhà hàng khi lạm phát tại Anh tăng phi mã ở mức cao nhất 30 năm qua.

"Thật đáng lo ngại, chúng tôi được biết nhiều ngân hàng thực phẩm đã phải từ chối khoai tây cùng nhiều loại rau củ quyên góp khác vì họ không đủ tiền để nấu chúng", anh Richard Walker, chủ chuỗi siêu thị với khoảng 1.000 chi nhánh tại Iceland trả lời tờ The Guardian.

Số liệu của Tổng cục thống kê Anh (ONS) cho thấy lạm phát tháng 2/2022 tại nước này đã lên đến 6,2% do giá nhiên liệu tăng mạnh, cùng với đó là giá thực phẩm và các mặt hàng khác. Riêng mặt hàng thực phẩm đã tăng 0,9% trong tháng 1-2/2022, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2012.

Khủng hoảng ở Anh: Ngân hàng thực phẩm cho người nghèo từ chối nhận quyên góp khoai tây vì chi phí nấu chúng quá cao - Ảnh 1.

Tuy nhiên theo chủ siêu thị Walker, mức lạm phát thực tế của thực phẩm lớn hơn khoảng 10% so với số liệu công bố bởi nhiều sản phẩm đóng hộp phải tính thêm cả các chi phí đầu vào vốn đang tăng giá từng ngày, ví dụ như giá xăng dầu.

Theo Walker, một số sản phẩm tăng giá vì đứt gãy chuỗi cung ứng có thể hồi phục dần về dài hạn trong khi nhiều mặt hàng khác thì không. Vị chủ siêu thị này thậm chí cảnh báo thời kỳ người dân Anh có thể thoải mái mua sắm lương thực giá rẻ đã chấm dứt.

"Giá thành sẽ phải tăng tương ứng với nhiều yếu tố đi kèm khác. Chúng tôi hiểu rằng người dân đang gặp khó khăn và đã làm mọi thứ có thể để giữ giá. Thế nhưng áp lực từ mọi phía đang đổ dồn lên những doanh nghiệp như chúng tôi. Chúng tôi không phải miếng bọt biển để có thể chịu đựng được mọi áp lực như thế", anh Walker cho biết về quyết định tăng giá của siêu thị.

Vị chủ doanh nghiệp này cho biết hiện nay nhiều yếu tố đã tác động đến giá lương thực, từ việc thiếu lao động cho đến chi phí vận tải đi lên, tiền điện nhiều hơn... Thậm chí Walker còn chỉ ra việc thiếu phân bón từ Nga, dầu hướng dương của Ukraine hay việc Anh nâng mức lương tối thiểu cho lao động cũng khiến giá lương thực đi lên.

Trong khi đó, CEO Emme Revie của tổ chức Trussell Trust hỗ trợ điều hành 1 mạng lưới ngân hàng lương thực trên toàn quốc thì chỉ trích Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak vì đã thất bại trong việc đảm bảo nhu yếu phẩm cho người nghèo. Những chính sách hỗ trợ của chính phủ được cho là không theo kịp đà lạm phát và chưa đủ để giúp người nghèo sống sót trong thời kỳ lạm phát phi mã.

Tồi tệ hơn, các chuyên gia cho biết tình hình sẽ còn xấu đi trông thấy khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cảnh báo lạm phát có thể đạt 8% vào tháng tới với hóa đơn năng lượng tăng khoảng 54% bắt đầu từ tháng 4/2022.

*Nguồn: The Guardian 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm