Kỹ năng sống

Khu vườn thuần Việt của hai chàng trai tại Nhật

Nguyễn Văn Nghĩa, 26 tuổi, quê Hà Tĩnh và Lê Văn Lâm, 30 tuổi, quê Bình Dương cùng làm việc tại một công ty sản xuất bản mạch điện tử tại tỉnh Aichi. Giữa năm 2023, thấy mảnh vườn nhà hàng xóm gần nơi thuê trọ bỏ hoang, hai người bàn nhau sang mượn để cải tạo trồng rau.

"Rau xanh bên này rất quý và đắt, nếu trồng được chi phí ăn uống sẽ giảm khá nhiều", Nghĩa nói lý do khi rủ Lâm cùng làm vườn.

Khu vườn 500 m2 chụp từ trên cao của hai chàng trai Việt Nam là Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Văn Lâm được chụp từ trên cao, tháng 5/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khu vườn 500 m2 chụp từ trên cao của hai chàng trai Việt Nam là Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Văn Lâm tại tỉnh Aichi, Nhật Bản, tháng 5/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ giữa năm 2023, Nghĩa và Lâm bắt tay vào tạo dựng khu vườn.

Để cải tạo mảnh đất 500 m2, ban đầu cả hai tập trung dọn cỏ. Nhiều ngày họ đi làm về với hai bàn tay phồng rộp. Thấy sự nhiệt tình của những chàng trai Việt, chủ vườn cho mượn máy cày và thuê xe tải chở phân bò tới bón cho đất.

Cải tạo xong, Nghĩa và Lâm bắt đầu lên phương án trồng loại rau gì và ở vị trí nào. Họ quyết định những loại thân cao hay cây leo sẽ trồng cuối vườn vì nếu trồng phía trước sẽ khiến các loại rau khác không nhận đủ ánh sáng.

Vì trồng rau theo mùa nên khu vườn được phân thành khu ươm mầm và khu trồng những cây lớn. Vào mùa lạnh có tuyết, toàn bộ hạt giống sẽ được ươm và gieo nơi có mái che, đợi đủ ấm mới cho ra vườn. Ngoài rau củ, hai anh em còn dành riêng một khu để trồng hoa, giúp khu vườn thêm sinh động.

Video về làm lán tre giữa vườn rau tại Nhật của hai chàng trai Việt.

Khi bắt tay vào trồng cây, hai chàng trai được nhiều người già hướng dẫn những bí quyết làm nông nghiệp dựa theo đặc điểm đất đai tại vùng Aichi, ví dụ cần dùng nilon đen lót dưới luống để ngăn cỏ và mất nước, hay cách chọn giống cũng như làm đất, gieo hạt sao cho đúng thời điểm.

Dù trồng rau theo mùa, nhưng Nghĩa và Lâm đều ưu tiên các loại rau cho thu hoạch dài hạn, đặc biệt là rau thơm. "Nhiều loại rau gia vị của Việt Nam không dễ tìm mua ở Nhật. Nhiều khi thèm ăn một tô bún riêu mà không tìm đâu ra kinh giới hay tía tô với mùi thơm đặc trưng", Lâm giải thích.

Ngoài rau thơm, 70% diện tích được trồng các loại rau củ thuần Việt khác như mướp hương, khổ qua, đậu đũa, susu, khoai lang, khoai môn, dưa bở. Diện tích còn lại trồng một số loại phù hợp với khí hậu địa phương như cải kale, xà lách.

Nguyễn Văn Nghĩa bên thành quả thu được từ vườn rau của mình tại Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Văn Nghĩa bên thành quả thu được từ vườn rau của mình tại Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về phân bón, họ sử dụng phân bò hữu cơ và phân đạm tổng hợp của Nhật. Theo Nghĩa, phân bò giúp cho cây nhanh lớn còn phân đạm giúp đậu quả nhiều hơn. Mỗi một loại rau củ lại bón phân theo cách khác nhau. Nếu giống leo giàn và cây gốc to, họ phải cho phân xuống gốc trước khi trồng. Những rau củ quả héo, hỏng... sẽ được ủ để lên men quanh năm. Ít nhất mỗi tháng một lần, họ lại pha với nước bón cho cây.

Rau trồng đúng mùa, đủ chất dinh dưỡng, đủ ngày tháng nên thơm, ngọt đậm, chuẩn hương vị Việt. Từ khi có khu vườn, dù trong tuần bận bịu với công việc chính nhưng hai anh em vẫn dành 1,5 tiếng để nhổ cỏ, bắt sâu. Đến cuối tuần họ dành hầu hết thời gian cho vườn.

"Việc công ty nhiều lúc mệt mỏi khiến tinh thần căng như dây đàn. Lúc đó lại rủ nhau ra vườn tranh thủ tưới nước, bón phân, tâm trạng sẽ bình yên trở lại", Lâm chia sẻ.

Căn chòi tre của Nghĩa và Lâm hoàn thành sau 6 tháng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Căn chòi tre của Nghĩa và Lâm hoàn thành sau 6 tháng. Bên cạnh chòi tre còn có đống rơm và cây chuối để luôn nhớ về Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều lần đến phụ giúp các cụ hàng xóm dọn vườn tược, thấy tre và lá cọ chặt bỏ phí nên cả hai bàn nhau dựng một căn chòi nhỏ theo phong cách Việt Nam giữa vườn làm chỗ nghỉ ngơi. Vì bận việc công ty, mỗi tuần chỉ làm được vài tiếng nên phải mất 6 tháng, chiếc chòi thuần Việt cao ba mét, rộng bốn mét được làm từ tre, lợp lá cọ mới hoàn thiện.

Sau khi dựng chòi, hai anh em còn trồng thêm chuối, chất thêm đống rơm phía trước nhằm tạo tiểu cảnh như đang sống ở Việt Nam.

Hàng xóm nơi Lâm và Nghĩa sinh sống đa phần là các cụ già nghỉ hưu. Vườn rau xanh mướt của hai chàng trai Việt từ khi được khai dựng vì thế nhận được sự yêu thích của mọi người. Hầu như ngày nào cũng có người cao tuổi ghé chơi vườn, ngắm nhìn và khen ngợi. Mỗi lúc như vậy, cả hai đều tự hào nói mình là người Việt và giới thiệu cho họ về những loại rau củ Việt Nam.

"Anh em thường tặng các cụ ít rau trong vườn, họ lại mời chúng tôi tới nhà dùng cơm. Vườn rau chính là cầu nối giữa mọi người với nhau, giúp nhiều người Nhật hiểu hơn về văn hóa, ẩm thực cũng như con người Việt Nam", Nghĩa nói.

Chàng trai này không quên thời điểm dựng chòi, có một cụ già ở cách vườn khá xa, dù chưa bao giờ gặp mặt cũng mang tre sang cho vì sợ hai anh em không đủ vật liệu.

Video hai anh em Nghĩa và Lâm đi xin chuối nhà hàng xóm về trồng nhằm tạo tiểu cảnh cho khu vườn Việt Nam trên đất Nhật.

Cứ đến đợt thu hoạch, Nghĩa và Lâm lại mang rau tặng cho những hộ dân sống cạnh vườn, cũng như người Việt có nhu cầu.

Tự tay trồng trọt, hai chàng trai Việt đều cảm thấy hài lòng và tự tin khi ăn rau. Làm vườn, họ cũng muốn nhắc bản thân không quên văn hóa Việt, đặc biệt giúp những người Việt xa xứ hiểu thêm về truyền thống văn hóa dân tộc.

"Vẫn có nhiều bạn hỏi tại sao ở Nhật mà không trồng loại này, loại kia để giống người bản địa. Tôi giải thích với họ rằng, chỉ có rau Việt mới hợp với món Việt", Nghĩa nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm