Doanh nghiệp

"Khu vực tư nhân là huyết mạch nền kinh tế"

- Tại sao USAID tập trung vào đối tượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?

- Khu vực tư nhân là huyết mạch của nền kinh tế, tập hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình, công ty dưới 500 nhân viên có mong muốn phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tập trung hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong từng lĩnh vực cụ thể, chúng tôi tin đây là động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển và đạt mức tăng trưởng đáng kể, bởi hiện có khoảng 90% khu vực tư nhân là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này tạo công ăn việc làm cho khoảng 45% lực lượng lao động, đóng góp vào 40% GDP ở Việt Nam.

Những con số này cho thấy tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ có mối quan tâm đến việc phát triển và mở rộng hoạt động, tuyển dụng lực lượng lao động.

Thông qua các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt, IPSC đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho tối thiểu 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, nhằm giúp họ nâng cao năng suất; cũng như giúp các doanh nghiệp định vị thành công các sản phẩm "Made by Viet Nam".
Doanh nghiệp đăng ký tham gia tại đây

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) là một trong những dự án trọng điểm của USAID trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 36 triệu USD, thực hiện trong khoảng 5 năm. Dự án tập hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển, doanh nghiệp do phụ nữ, nhóm yếu thế làm chủ.

- Theo ông khối tư nhân Việt Nam cần cải thiện vấn đề gì?

- Việt Nam đã kiểm soát tốt trong Covid-19, thể hiện qua định hướng về xuất khẩu hay nhiều chính sách khác nhằm ứng phó với dịch bệnh. Trong giai đoạn tiếp theo, thách thức đối với Việt Nam là nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các ngành thâm dụng lao động, tay nghề thấp. Đó là lý do mà những chương trình về chuyển đổi số là rất cần thiết lúc này.

Chuyển đổi số sẽ phải nhân rộng, đi cùng tốc độ tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Vai trò của chuyển đổi số vì thế trở nên đặc biệt quan trọng.

Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà Nước của USAID Việt Nam, ông Gregory Leon

Ông Gregory Leon, Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà Nước của USAID Việt Nam. Ảnh: USAID

USAID đang hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong suốt quá trình chuyển đổi số thông qua nhiều chương trình, dự án, mà IPSC là một trong số các chương trình, dự án như thế. Cụ thể, IPSC sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, trang bị những kỹ năng cho lực lượng lao động trong thời đại số.

- Một trong những nội dung trọng tâm của IPSC là thúc đẩy các sản phẩm, công nghệ "Made by Vietnam". Ông có thể nói cụ thể về hỗ trợ này?

- IPSC tập trung vào hỗ trợ các giải pháp mang tính nội địa, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng có sản phẩm, dịch vụ "Made by Việt Nam". Chúng tôi gọi đây là các "Doanh nghiệp tiên phong". Đó cũng là các doanh nghiệp có khát vọng xuất khẩu và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

IPSC cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, bao gồm phát triển kỹ năng cho nguồn lực lao động, nâng cao năng lực tài chính, công nghệ... cũng như hỗ trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp – đơn vị cung cấp dịch vụ cho chính các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển mà tôi đang nói đến.

Mỗi dự án của chúng tôi là duy nhất tại mỗi quốc gia triển khai, được điều chỉnh, "may đo" riêng theo nhu cầu của từng nền kinh tế chứ không đóng khung theo khuôn mẫu.

- Vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, dự án sẽ có những chương trình ra sao?

- Sau Covid-19, bước vào giai đoạn hồi phục, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các rào cản pháp lý và quy định.

Dự án IPSC và một số chương trình khác của chúng tôi sẽ xác định các rào cản và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi. IPSC có một quy trình sàng lọc, lựa chọn các công ty tiềm năng để hỗ trợ và đồng hành cùng dự án, dựa trên nhiều tiêu chí như quy mô, doanh thu, tiềm năng, lĩnh vực ưu tiên...

Sau đó, dự án sẽ liên hệ với các doanh nghiệp, tổ chức này, trong những lĩnh vực có tiềm năng để tiếp tục hợp tác, hỗ trợ.

- Trọng tâm của USAID tại Việt Nam trong năm nay?

- USAID có một danh mục đầu tư rất rộng, từ phát triển lực lượng lao động đến thương mại, đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp với một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Ngoài tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục, chúng tôi còn triển khai các chương trình liên quan đến sức khỏe, người khuyết tật, dự án xử lý dioxin, hay các chương trình về môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng.

Đặc biệt, trong giai đoạn sau Covid-19, USAID sẽ tiếp tục là đối tác đồng hành cùng Việt Nam với các khoản tài trợ, như dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, sẽ giúp các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm