Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022, dự kiến diễn ra ngày 21/4 theo hình thức trực tuyến.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, năm nay, PVD lên mục tiêu 4.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng gần 9% so với năm 2021. Doanh nghiệp bỏ ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Công ty dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 4.215 tỷ lên 5.611 tỷ đồng hết năm nay, quy mô tổng tài sản đạt 20.566 tỷ cuối năm.
Về chỉ tiêu công ty mẹ, PVD đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng gần 16,6% lên 3.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 45 tỷ đồng, gấp 1,55 lần thực hiện năm 2021.
Doanh nghiệp cho biết kế hoạch kinh doanh trên dựa trên dự đoán thị trường dầu khí đặc biệt là thị trường khoan vẫn còn khó khăn, dịch bệnh diễn biến khó lường, ước tính các chương trình khoan trong nước không nhiều, tình trạng cung vượt cầu giàn khoan vẫn ở mức cao và đơn giá cho thuê giàn cùng các dịch vụ khác vẫn ở mức thấp.
Ban giám đốc của PVD nhận định 2022 là năm chạy đà, mang đến cho PVD những cơ hội và hi vọng mới, tích cực hơn khi thế giới đang thích nghi với trạng thái bình thường mới, đà tăng của giá dầu có thể khuyến khích các nhà thầu khoan khởi động các chương trình khoan mới, bắt đầu tư năm 2023.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021 và 2022, HĐQT của PVD dự kiến trình ĐHĐCĐ giữ nguyên phương án chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% như đã phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên 2021. PVD cho hay muốn đề xuất trả cổ tức cổ phiếu do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2021 chỉ đạt 29 tỷ cùng với mục tiêu hài hoà lợi ích cổ đông và đảm bảo nhu cầu dòng tiền cho sản kinh doanh và đầu tư năm 2022.
Số cổ phiếu dự kiến phát hành trả cổ tức 2021 là hơn 50,5 triệu cổ phiếu và thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày tổ chức ĐHĐCĐ.
Cho năm 2022, dự báo hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn khi lãi sau thuế công ty mẹ dự kiến chỉ đạt 45 tỷ và báo cáo hợp nhất không lỗ, PVD sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt phương án chia cổ tức năm 2022 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 phù hợp với tình hình và kết quả kinh doanh thực tế.
Năm 2022, tổng chi phí đầu tư dự kiến của PVD khoảng 315 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm các khoản mục đầu tư liên quan đến công tác sửa chữa và mua sắm thiết bị trên giàn khoan. Chi phí đầu tư của công ty mẹ là 161 tỷ còn các đơn vị thành viên là 154 tỷ đồng.