Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB) đã tăng khả quan 14% trong 30 ngày đầu năm. Tuy nhiên, thị giá quay đầu giảm gần 6% trong phiên cuối tháng 1 về 11.600 đồng/cp. Vốn hóa hiện đạt 42.341 tỷ đồng.
Đáng chú ý là thanh khoản đã tăng cao trong tháng đầu năm, với khối lượng giao dịch bình quân phiên qua 1 tháng đạt gần 42 triệu đơn vị, gấp đôi mức bình quân phiên qua 1 năm.
Riêng phiên 31/1, khối lượng khớp lệnh mã này đạt kỷ lục hơn 127 triệu đơn vị với tổng giá trị vượt 1.510 tỷ đồng, cao hơn 35% so với phiên cao thứ hai là 10/1 (94,3 triệu đơn vị). Khối lượng này chiếm đến 13,3% tổng lượng giao dịch trên sàn HOSE.
Mã chứng khoán này còn ghi nhận có 2,7 triệu cổ phiếu được sang tay theo phương thức thỏa thuận. Do đó, tổng khối lượng giao dịch phiên cả phiên ghi nhận gần 130 triệu đơn vị.
Xét trên lịch sử hoạt động toàn thị trường, khối lượng khớp lệnh 127 triệu đơn vị phiên 31/1 của SHB chỉ thấp hơn các trường hợp của HPX (trên 165 triệu đơn vị vào 30/11/2022), FLC (155 triệu đơn vị phiên 11/1/2022), NVL (128 triệu đơn vị phiên 22/11/2022).
Diễn biến tại SHB đặt trong bối cảnh thị trường giảm điểm mạnh trong ngày cuối tháng 1, VN-Index mất hơn 15 điểm tương đương giảm 1,3% so với phiên trước. Đồng thời, giá trị giao dịch tại sàn HOSE tăng 74% so với phiên trước, đạt 21.280 tỷ đồng.
Bên cạnh SHB giảm gần 6%, phiên giao dịch còn chứng kiến loạt cổ phiếu ngân hàng khác giảm điểm, đáng kể như VCB (-3%), STB (-3%), EIB (-3%), BID (-2%), TCB (-2%), MBB (-2%), TPB (-2%), CTG (-2%), VIB (-1%)...
Theo báo cáo kinh doanh mới công bố, SHB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 24% lên 5.356 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế theo đó tăng hơn 15% đạt 579 tỷ đồng.
Nhưng tính chung cả năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm hơn 3% so với năm 2022 về mức 7.470 tỷ đồng, chưa hoàn thành kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao (hơn 10.600 tỷ đồng). Lợi nhuận giảm chủ yếu do chi phí dự phòng cả năm tăng hơn 40% lên hơn 7.411 tỷ đồng.
SHB đã tăng cường hoạt động cho vay với các tổ chức kinh tế (chiếm 81,67% dư nợ vào cuối năm) trong khi giảm dư nợ cho vay đối với cá nhân (chiếm 18,33% dư nợ). Lĩnh vực SHB cho vay nhiều nhất là bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (28,23% dư nợ); hoạt động kinh doanh bất động sản (16,71%) và xây dựng (15,9%).