Nữ thạc sĩ tìm đồ ăn trong thùng rác
Trong một túi rác lớn, Yooupi tìm thấy những gói bánh mì. "Chúng trông rất ngon, nhưng tất cả đều bị lãng phí", cô nói, "Bạn có thể thấy thịt bò bên trong vẫn còn màu đỏ, rau tươi và đây là một ít phô mai hảo hạng".
Yooupi mang "chiến lợi phẩm" từ thùng rác là 3 gói bánh sandwich, pizza và bánh mì panini về nhà. "Tôi tìm thấy cả một túi bánh mì giăm bông có thể đủ cho tôi ăn cả tuần", cô nói.
Vlog ghi lại trải nghiệm kỳ lạ này của cô gái thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem trên trang web phát trực tuyến Bilibili của Trung Quốc chỉ trong một tháng.
"Trông ngon quá", một số người bình luận, "Bây giờ tôi có thể đồng cảm với nỗi đau khi chứng kiến quá nhiều thức ăn bị lãng phí".
Yooupi tên thật là Ge Chenchen, vừa tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật ở Pháp, đã thực hiện nhiều "chuyến phiêu lưu" đến các thùng rác khoảng 1 năm nay và thu hút hơn 800.000 người theo dõi trên nhiều nền tảng khác nhau.
Tất cả người xem đều bị sốc trước lượng thức ăn ngon bị lãng phí, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo số liệu thống kê do Chương trình Lương thực Thế giới cung cấp, 1/3 lương thực được sản xuất cho con người tiêu thụ bị thất thoát hoặc lãng phí trên toàn cầu.
Con số này lên tới khoảng 1,3 tỷ tấn mỗi năm, trị giá khoảng 1.000 tỷ USD. Lượng lương thực lãng phí này đủ để nuôi sống 2 tỷ người. Đó là hơn gấp đôi số người bị đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu.
"Với những người theo dõi tôi, "nhặt rác" vẫn là một khái niệm mới", Yooupi nói với Global Times. "Thật tuyệt khi có thể giới thiệu điều mới mẻ này với giới trẻ Trung Quốc, dù sẽ có những tranh cãi vì sự khác biệt trong suy nghĩ và văn hóa thì với tôi vẫn cảm thấy ổn".
Đến cả người giàu cũng lục thùng rác
Sinh ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc và du học tại Pháp, Yooupi chưa từng biết đến việc lục thùng rác cho đến 1 năm trở lại đây. Mọi chuyện bắt đầu khi cô đến thăm một khu chợ mở vào cuối tuần, nơi cô nhìn thấy nhiều người, bao gồm cả sinh viên đại học và thậm chí cả nhân viên văn phòng, đang thu gom trái cây và rau củ bỏ đi.
Yooupi chia sẻ, các chủ cửa hàng thường bỏ những quả cà chua hay táo bị dập nát và trông "xấu xí" đi.
Không những vậy, các siêu thị hoặc tiệm bánh sẽ bán phá giá những thực phẩm đã "hết hạn sử dụng" theo "ngày bán chạy nhất" của chúng.
“Tôi thấy đây là một chủ đề thú vị có thể làm trong vlog của mình nên bắt đầu tìm hiểu về nó”, cô nói.
Sau đó, nữ vlogger bắt đầu thói quen "lặn thùng rác". Có lần, Yooupi tìm được hàng trăm miếng thịt bò và cá tuyết trong thùng rác của một thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng, nhưng số thức ăn này đã bị hỏng và không thể ăn được. "Thực sự quá lãng phí", cô nói.
Trong một xã hội công nghiệp hiện đại, thực trạng lãng phí thực phẩm như vậy xảy ra ở khắp mọi nơi.
Theo Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái Pháp, mỗi năm có 10 triệu tấn lương thực bị thất thoát hoặc lãng phí ở đất nước này, khiến người Pháp thiệt hại 16 tỷ euro.
"Tôi thậm chí còn kết bạn với những 'người nhặt rác' khác ở đây," cô nói, "Có những người phải vật lộn để kiếm sống, nhưng cũng có cả nhân viên văn phòng, và một số thậm chí còn khá giàu có" - nữ thạc sĩ cho biết.
Ví dụ, có một người đàn ông trung niên thích sưu tầm gỗ để dùng làm kệ hoặc các đồ nội thất khác.
Cô cũng bắt gặp nhân viên của các tổ chức từ thiện thu gom thức ăn bỏ đi nhưng vẫn ăn được để giúp đỡ những người gặp khó khăn.
"Đối với nhiều người trẻ ở đây, "lặn thùng rác" không phải là điều gì đáng xấu hổ. Ngược lại, đó là một việc thú vị góp phần giảm lãng phí thực phẩm và hỗ trợ nỗ lực tái chế", Yooupi kết luận.
“Tôi không xấu hổ, tôi muốn thay đổi nhận thức của mọi người”
Dưới video của Yooupi là vô số bình luận trái chiều. Có những người đã thay đổi suy nghĩ về sự lãng phí, trong khi những người khác không hiểu ý định đằng sau những nỗ lực của nữ vlogger.
Ở Trung Quốc, "nhặt lại rác" không phải là một việc tích cực vì nó thường gắn với những người có hoàn cảnh khó khăn.
"Tôi không xấu hổ hay khó chịu," Yoooupi nói, "đối với tôi, đó là cả một quá trình học hỏi. Và để làm được những vlog chủ đề này, tôi đã không ngừng tìm kiếm tài liệu", Yooupi nói.
"Tôi làm những video này chỉ để phản ánh một hiện tượng chứ không phải thể hiện mình sống bằng việc nhặt rác", cô nói, "Điều quan trọng hơn là thay đổi về nhận thức của tất cả mọi người, điều này giá trị hơn là những gì tôi tìm thấy trong thùng rác. Như bản thân tôi đã chú ý nhiều hơn đến việc chống lãng phí và tái sử dụng".
Từ những trải nghiệm này, Yooupi hiểu biết hơn về nước Pháp, và cô nhận ra mình có thể tiết chế mức tiêu thụ và tận dụng tốt hơn những vật liệu bị bỏ đi.
Việc làm của nữ vlogger cũng có thể tác động đến nhiều người trẻ, góp phần thay đổi lối sống của họ, từ đó giảm thiểu sự lãng phí thực phẩm toàn cầu.
Theo GlobalTimes