Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta thực sự thảo luận về ý tưởng hàng ngày mà thường nói về mối quan hệ của mình với người khác. Đây là cách chúng ta tương tác với bạn bè, gia đình và những người thân thiết.
Buôn chuyện là một phần quan trọng của sự tiến hóa ngôn ngữ
Ngôn ngữ, về bản chất, giúp chúng ta giao tiếp và giảng dạy bằng các sự kiện và kỹ năng. Nó cho phép chúng ta biết ai là người đáng tin, giúp hình thành các mối quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các loại tương tác. Để biết tất cả những thông tin này, tin đồn đã là câu trả lời.
Loài vượn duy trì quan hệ xã hội bằng cách chải chuốt, tổ tiên loài người có nhiều khả năng phát triển tin đồn như một cách giao tiếp xã hội hiệu quả hơn.
Buôn chuyện tạo các mối quan hệ xã hội
Buôn chuyện là một phần thiết yếu của giao tiếp, giúp tổ tiên loài người tồn tại.
Trong một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Khoa học tâm lý và nhân cách xã hội, Megan Robbins, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học California và một đồng nghiệp phát hiện ra rằng, trong trung bình 52 phút mỗi ngày mà 467 đối tượng dành để buôn chuyện, 3/4 số tin đồn là trung lập.
Chỉ khoảng 15% các cuộc trò chuyện được coi là tin đồn tiêu cực (mặc dù tin đồn tích cực vẫn chiếm một phần nhỏ hơn, chỉ ở mức 9%). Vì vậy, mặc dù đúng là mọi người có thể dành một lượng thời gian đáng kể để nói về đồng nghiệp của mình, nhưng đôi khi những cuộc trò chuyện đó là lành tính.
Tổ tiên loài người có thể đã dùng tin đồn như một cách gắn kết, giống như thời bây giờ. Đôi khi người ta nói chuyện với nhau chỉ để bàn về một người khác và truyền tải thông tin xã hội.
Buôn chuyện là bằng chứng của văn hóa học
Một số nhà nghiên cứu xem tật "ngồi lê đôi mách" là bằng chứng của việc học văn hóa. Nó cung cấp kinh nghiệm giảng dạy và cho mọi người ví dụ về những gì được xã hội chấp nhận, những gì không. Buôn chuyện có thể được sử dụng như một công cụ để đo lường mức độ đạo đức của một cộng đồng.
Ví dụ, nếu trong một nhóm xã hội, người ta phát hiện một người liên tục dối trá, phần còn lại của cộng đồng sẽ đưa ra nhận xét tiêu cực về người đó, giúp cảnh cáo người khác về hậu quả của gian dối.
Buôn chuyện giúp xoa dịu cơ thể trong tình huống căng thẳng
Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Nhân cách và tâm lý xã hội (Mỹ) cho thấy, sự khác biệt về mặt tâm lý giữa tham gia thụ động và chủ động vào những câu chuyện phiếm.
Nghiên cứu cho thấy, khi một người được nghe về hành vi trái đạo đức hoặc tình huống không công bằng của người khác, nhịp tim của họ tăng lên. Nhưng khi họ tích cực tham gia vào những câu chuyện phiếm về người khác, họ thoải mái và giảm nhịp tim.
"Hành động buôn chuyện giúp làm dịu cơ thể", Matthew Feinberg, trợ lý giáo sư về hành vi tổ chức tại trường Quản lý Rotman của đại học Toronto (Canada), người đứng đầu nghiên cứu, kết luận.
Thúc đẩy hợp tác tích cực
Có một câu nói rất phổ biến là "Danh tiếng của bạn đi trước bạn". Nguồn gốc của câu này xuất phát từ một mẩu tin đồn mà người khác nói về bạn. Theo cách này, ngồi lê đôi mách trở nên hữu ích trong thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong cộng đồng.
Trong một nghiên cứu của trường Quản lý Rotman, người ngồi lê đôi mách giúp xác định người trong nhóm đang ích kỷ và nhanh chóng loại bỏ họ. Thông qua làm việc nhóm, các thành viên sẽ nhận thấy một người đóng góp bao nhiêu cho lợi ích chung. Họ cùng trao đổi với nhau xem ai ích kỷ để loại bỏ.
Tin đồn nói lên nhiều điều về mối quan hệ của bạn với đối tác hoặc bạn bè
Trong một mối quan hệ, sự tin tưởng là yếu tố chính tạo nên kiểu kết nối. Những câu chuyện phiếm có thể nói lên rất nhiều điều về mối quan hệ chúng ta có với nhau. Bạn chỉ buôn chuyện với ai nếu thấy thân thiết với họ.
Khi chia sẻ một bí mật hoặc một trải nghiệm, cần có chút thân mật để cởi mở. Tin đồn có thể ngăn chặn sự cô đơn và tạo điều kiện gắn kết, gần gũi. Vì vậy, lần tới, khi bạn muốn biết đối tác hoặc bạn bè thấy thế nào về bạn, hãy chú ý đến loại thông tin họ cung cấp cho bạn.
(Theo Brightside)