Tài chính

Không quét được CCCD để xác thực sinh trắc học, phải làm thế nào?

Không quét được CCCD để xác thực sinh trắc học, phải làm thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, từ hôm nay (01/7/2024), tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ phải áp dụng một chính sách chung đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng là phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt) của người thực hiện giao dịch đúng với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc trong căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử do Bộ Công an cấp.

Bên cạnh đó, trước khi khách hàng cá nhân thực hiện giao dịch lần đầu bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc trước khi thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất thì khách hàng bắt buộc phải xác thực dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.

Hiện, các ngân hàng, ví điện tử và người dùng đang chạy đua cập nhật dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN. Theo hướng dẫn, người dùng có thể chủ động thực hiện đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên smartphone theo ba bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của CCCD gắn chip; Quét NFC (Chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication) trên CCCD gắn chip; Quét gương mặt và xác thực OTP.

Đa số cho biết quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, trên các hội nhóm công nghệ, nhiều người phản ánh tình trạng gặp khó khăn trong việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên các ứng dụng (app) ngân hàng, phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD.

Trong đó, nhiều người phản ánh vì sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC nên không đăng ký được dữ liệu sinh trắc học, trong khi số khác dù điện thoại có hỗ trợ NFC nhưng quét cả chục lần vẫn không thể đọc được dữ liệu trên thẻ. Đồng thời, việc khó quét dữ liệu xảy ra ở cả dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android lẫn iOS.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác thực sinh trắc học cho người dùng điện thoại không hỗ trợ NFC khi thực hiện các giao dịch yêu cầu việc xác thực bằng dấu hiệu sinh trắc học.

Cụ thể, đối với khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng sẽ được thực hiện thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (Các đơn vị cần tích hợp ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking với hệ thống định danh và xác thực điện tử để cung cấp dịch vụ này);

Hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong Cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra thực hiện như sau:

Khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học trong chip của thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan công an cấp bằng cách thực hiện tại quầy giao dịch, thông qua thiết bị/điện thoại đọc CCCD gắn chip của ngân hàng;

Hoặc khớp đúng giữa dữ liệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Như vậy, trong trường hợp khách hàng có CCCD gắn chíp nhưng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC hoặc sử dụng điện thoại có hỗ trợ NFC nhưng gặp sự cố trong khâu quét NFC, khách hàng có thể đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ (Khách hàng chỉ phải cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng).

Xác thực sinh trắc học bằng công nghệ NFC (Near Field Communication) là công nghệ sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối thiết bị (smartphone, tablet…) với căn cước công dân gắn chip để chuyển đổi dữ liệu nhằm nhận diện và xác minh cá nhân thông qua đặc điểm sinh học là hình ảnh khuôn mặt. Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất, đảm bảo an toàn cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính.

Để đạt kết quả tốt nhất, khách hàng cần đặt CCCD vào đúng vị trí chip NFC. Khách hàng có thể cần thử nhiều lần để xác định chính xác, hoặc tham khảo hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, các loại ốp lưng điện thoại dày hoặc ốp lưng có kim loại sẽ ảnh hưởng đến việc đọc dữ liệu từ CCCD. 

Hiện nay, phần lớn các hãng điện thoại thông minh hiện nay như iPhone, Samsung, OPPO, Xiaomi, Sony, Huawei, Nokia, OnePlus, Asus, Acer, BlackBerry, Google, HTC, LG, Motorola,... đều có hỗ trợ NFC. Dưới đây là danh sách các sản phẩm smartphone có hỗ trợ công nghệ NFC, theo website Thế Giới Di Động.

- Đối với iPhone

Các mẫu iPhone kể từ iPhone 6 đều được hỗ trợ NFC, gồm: iPhone 6/6s, iPhone 6s/6s Plus, iPhone 7/7 Plus, iPhone 7s/7s Plus, iPhone 8/8Plus, iPhone 8s/8s Plus, iPhone SE, iPhone X/Xs, Xs Max, iPhone XR, iPhone 11, iPhone 12, iPhone 12 Pro, iPhone 12 Pro Max,...

- Đối với điện thoại Android

Samsung

+ Galaxy A3, Galaxy A5, Galaxy A7, Galaxy A51, Galaxy A52, Galaxy A72,...

+ Galaxy S7 Edge, Galaxy S8, Galaxy S8 Plus, Galaxy S20 FE, Galaxy S21, S21 Plus, Galaxy S21 Ultra,...

+ Galaxy J5, Galaxy J7, Galaxy C7/C7 Pro, Galaxy C9 Pro,...

+ Galaxy Note 3, Galaxy Note 4, Galaxy Note 5, Galaxy Note 8, Galaxy Note 9, Galaxy Note 10/10+, Galaxy Note 20,

+ Galaxy Z Flip, Galaxy Z Flip, Galaxy Z Fold2,...

OPPO

Find 5, Find 7, Find X3 Pro, OPPO N1, R15 Pro,...

Xiaomi

Mi 2A, Mi 5/Mi 5 Pro, Mi Mix, Mi Mix 2, Mi Note 2, Redmi Note 10 Pro, Mi 11, ...

Sony

Sony Xperia T, Xperia T2 Ultra, Xperia Tablet Z, Xperia V, Xperia VL, XZ Premium, Xperia XZ1 Compact, Xperia XZs, Xperia Z, Xperia Z Ultra, Xperia Z1,...

Huawei

Honor 6, Honor 8, Honor 9, Mate 10 and Mate 10 Pro, Mate 8, Mate 9, P10, P10 Plus, P8, Sonic/Turkcell T20,...

Nokia

Nokia 3, Nokia 5, Nokia 6, Nokia 603, Nokia 700, Nokia 701, Nokia 801T, Lumia 1020, Lumia 1520, Lumia 2520,...

OnePlus

OnePlus 3, OnePlus 5, OnePlus 5T, OnePlus 6, OnePlus 7T, OnePlus 8 and OnePlus 8 Pro, OnePlus 8T, OnePlus One, OnePlus Nord N10,...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm