Đó là nhận định của các các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tại hội thảo trực tuyến ngày 28/6 vừa qua.
Hai ngành được bàn luận chủ yếu trong hội thảo là nhóm ngành Xuất khẩu và nhóm ngành Bất động sản. Trong đó, nhóm ngành xuất khẩu được trợ lực bởi 3 yếu tố: xuất khẩu trong nước tăng trưởng gần 15% trong gần 6 tháng đầu năm 2024, liên tục duy trì mạnh mẽ trong 4 quý liên tiếp; các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đều có sự phục hồi mạnh mẽ cả về sản xuất và xuất khẩu và sự phục hồi rõ nét của các doanh nghiệp và nhu cầu dệt may.
Bất động sản cũng là một nhóm ngành được đề cập với nhiều dấu hiệu tích cực đan xen một số tiềm ẩn nhất định sau một thời gian dài trầm lắng. Các chuyên gia nhận định rằng thị trường của 2024 đã bắt đầu có dấu hiệu của sự phục hồi thông qua kỳ vọng việc giảm lãi suất vay mua nhà và việc cung cấp một khung pháp lý hiệu quả và minh bạch hơn. Dựa trên những cập nhật mới nhất, PHS nhận thấy thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu qua đáy, tuy nhiên những dấu hiệu này vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng và liên tục trong 6 tháng cuối năm 2024, vì yếu tố quan trọng nhất của ngành (doanh số bán hàng) vẫn chưa được chứng minh bằng dữ liệu cụ thể.
Việc phục hồi chung của tất cả các doanh nghiệp trong ngành BDS là tương đối khó. Chỉ có các doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi và có năng lực mới có thể tồn tại và phát triển qua giai đoạn này. Năm 2024 vẫn sẽ là giai đoạn "cao trào" đáo hạn trái phiếu bất động sản của các doanh nghiệp bất động sản, với giá trị đáo hạn sẽ là 144.000 tỷ đồng. Điều này sẽ tạo áp lực lên dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS khá lớn trong bối tâm lý người mua nhà cũng chỉ vừa mới phục hồi sau những scandal bất động sản 2024.
Mặc dù vậy với những tín hiệu từ nhu cầu tiềm năng mới về việc cho phép người nước ngoài được đầu tư và sở hữu bất động sản tại Việt nam dễ dàng hơn, các dự án đầu tư công về hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tăng tính kết nối và hữu dụng giữa các khu vực và các điều chỉnh trong luật kinh doanh bất động sản, luật nhà ở, luật đất đai sẽ tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới của ngành này.
Kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đã trải qua những gì?
GDP Việt Nam quý 1/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng GDP quý 1 nhanh nhất kể từ năm 2020. Trong đó, sự phục hồi của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng so với cùng kỳ đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong quý đầu năm 2024.
Xuất khẩu của Việt Nam trong Quý 1 tốt nhất từ giai đoạn 2021 đến nay. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính đều cho thấy xu hướng tăng trưởng rõ nét qua mỗi quý và mức đáy đã được thiết lập trong Quý 2/2023. Cán cân thương mại Quý 1 thặng dư 7,8 tỷ USD, mức thặng dư cùng kỳ cao nhất từ trước đến nay.
PHS hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống khoảng 6%, giảm so với dự báo trước đó là 6,2%. Việc điều chỉnh này dựa trên các dấu hiệu kém khả quan liên quan đến tiêu dùng trong nước và sản xuất công nghiệp chưa có nhiều tín hiệu đột phá trong giai đoạn nửa đầu năm 2024.
Dự báo xu hướng 6 tháng cuối năm 2024 của thị trường chứng khoán Việt Nam
TTCK năm 2024 sẽ có sự trầm lắng nhất định vào giai đoạn đầu năm song sẽ tăng trưởng mạnh vào nửa cuối năm. Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm. Bởi nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay. Từ đó bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ và nhờ đó TTCK sẽ có nhiều cơ hội.
Bên cạnh đó, triển vọng của TTCK sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024 nhờ các động lực: Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng; Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; chính sách đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là quyết tâm của chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
NHNN định hướng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hệ thống giao dịch KRX, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam như tăng thanh khoản, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút nhà đầu tư nước. Tuy nhiên, KRX tiếp tục lỡ hẹn với nhà đầu tư vào tháng 5/2024. Đến nay việc vận hành hệ thống KRX vẫn là một dấu chấm hỏi dai dẳng và vẫn chưa có thêm thông tin gì mới về việc vận hành hệ thống này.
Mặc dù hiện tại, các thách thức và cơ hội đan xen nhưng khả năng năng FED, ECB sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối 2024. Như vậy, thị trường tài chính toàn cầu sẽ hưởng lợi, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng trở lại sẽ là những nhân tố vững chắc thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngọc Tú