Tesla đã ký một thỏa thuận mới với Hertz. Động thái này đã khiến giá cổ phiếu của Tesla tăng vọt và giúp cho giá trị tài sản ròng của Elon Musk tăng thêm 36 tỷ USD. Về mặt pháp lý, tổng tài sản của Musk đã đạt gần 300 tỷ USD và đưa ông ta trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới. Phần lớn thành công này của ông chính là nhờ công ty Tesla.
Elon và Tesla có quan hệ mật thiết đến mức, mỗi khi nhắc đến Elon Musk là chúng ta nhớ ngay đến Tesla và ngược lại. Tuy nhiên, trên thực tế, những người sáng lập thực sự của Tesla lại chính là Martin Eberhard và Marc Tarpenning. Vì vậy, trong khi Elon có danh tiếng, giàu có và hiện đang sở hữu một con tàu vũ trụ, thì điều gì đã xảy ra đối với 2 nhà sáng lập này?
Từ những cuốn sách điện tử đến những chiếc ô tô điện
Cả Eberhard và Tarpenning đều được sinh ra và lớn lên ở California. Eberhard đã lấy được bằng cử nhân về lĩnh vực kỹ thuật máy tính. Sau đó, ông còn lấy thêm bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật điện, tại Đại học Illinois. Tarpenning thì lấy bằng cử nhân ngành khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley.
Họ gặp nhau lần đầu tiên khi Tarpenning đến thăm Wyse Technologies, nơi mà Eberhard đang làm việc vào thời điểm đó. Họ đã kết thân trở thành bạn bè, thường xuyên gặp nhau để cùng chơi trò chơi Magic: The Gathering.
Vào năm 1997, Eberhard và Tarpenning đã đồng sáng lập NuvoMedia, một công ty liên doanh sách điện tử, chuyên sản xuất sách điện tử Rocket. Đây là một thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên do Barnes và Noble đồng tài trợ. Chỉ sau 3 năm, họ đã bán doanh nghiệp của mình cho Gemstar – TV Guide International với giá 187 triệu USD.
Đối với dự án tiếp theo của mình, Eberhard muốn tạo ra "một nhà máy sản xuất ô tô và cũng là một công ty công nghệ". Ông rất yêu thích những mẫu xe thể thao, nhưng lại rất lo ngại về vấn đề nhập khẩu dầu. Vì vậy, Eberhard đã chuyển hướng sang việc phát triển những mẫu xe chạy bằng năng lượng điện. Vào ngày 1 tháng 7 năm 2003, Eberhard đã chính thức hợp tác với Tarpenning để thành lập nên công ty Tesla Motors.
Cuộc gặp gỡ với Elon Musk
Lần đầu tiên Eberhard và Tarpenning đã gặp gỡ Elon Musk là tại một cuộc họp dành cho các thành viên của Mars Society. Hai bên nhanh chóng gắn kết nhờ sự yêu thích và quan tâm về lĩnh vực khám phá không gian.
Lúc đó, Musk đã kiếm được 100 triệu USD khi PayPal, công ty do ông đồng sáng lập, đã được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD. Vào thời điểm Paypal được mua lại, Musk đã được sở hữu 11% cổ phần của công ty này.
Vì cần nguồn vốn để kinh doanh, Eberhard và Tarpenning đã kêu gọi sự đầu tư từ Elon Musk, với nội dung: "Chúng tôi muốn giới thiệu dự án này với những người thực sự muốn cố gắng để chế tạo nên tàu tên lửa".
Vào tháng 4 năm 2004, Musk đã đầu tư 6,35 triệu USD vào công ty Tesla thông qua vòng gọi vốn Series A, và trở thành chủ tịch hội đồng quản trị thứ 2 của công ty. Tuy nhiên, mặc dù Musk đóng vai trò to lớn trong hội đồng quản trị, nhưng ông đã không tham gia sâu vào các hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty.
Nhưng tình trạng này cũng không kéo dài quá lâu!
Sự kiện sa thải Martin Eberhard
Dù cho có thích hay không thích Elon Musk, chúng ta đều không thể phủ nhận rằng, ông ta là một người rất giỏi trong việc huy động vốn.
Vào tháng 2 năm 2006, Musk tiếp tục đầu tư 13 triệu USD và trở thành người dẫn đầu trong vòng gọi vốn đầu tư mạo hiểm Series B của Tesla. Trong 18 tháng tiếp theo, Musk đã huy động được thêm 93 triệu USD thông qua 3 vòng kêu gọi tài trợ khác.
Trong khoảng thời gian này, Tesla đã cho ra mắt phiên bản nguyên mẫu của chiếc xe điện đầu tiên. Nhờ đó, tương lai của Tesla đã trở nên đầy rộng mở và phát triển hơn. Tuy nhiên, tương lai đó lại không có chỗ dành cho Eberhard.
Vào tháng 8 năm 2007, trong lúc Eberhard đang thuyết trình trước Hiệp hội Báo chí Mô tô, thì một cuộc họp hội đồng quản trị ở công ty Tesla đã được tổ chức mà không có sự hiện diện của anh.
Khi Eberhard kết thúc bài thuyết trình của mình, ông đã nhận được một cuộc gọi từ Musk. Nội dung cuộc gọi là thông báo về việc ông sẽ không còn là Giám đốc điều hành của Tesla nữa.
Martin Eberhard kể lại rằng: "Tôi đã không hề được tham gia vào một cuộc thảo luận nào. Tôi hoàn toàn không biết họ đã nói gì trong cuộc họp đó. Tôi cũng không thể tự bào chữa cho bản thân mình và hoàn toàn rơi vào thế bị động! "
Tất nhiên, Eberhard đã tham khảo ý kiến từ một luật sư và họ nhận thấy cuộc họp đã vi phạm quy chế của công ty. Điều này có nghĩa là, Eberhard không thể bị sa thải. Tuy nhiên, điều này đã không thể ngăn cản được ý định của Musk. Ông ta đã giao cho Eberhard một vị trí mới là "Giám Đốc Công nghệ". Đó hoàn toàn là một chức danh vô nghĩa, nó đã tước đi hoàn toàn quyền lực và quyền kiểm soát của Eberhard.
Chức vụ này hoàn toàn vượt quá năng lực của Eberhard và cuối cùng, ông đã xin từ chức vào đầu năm 2008. Cho đến khi từ chức, ông vẫn hoàn toàn không thể hiểu nổi, lý do gì mà ông bị tước đi chức vụ một cách phũ phàng như vậy. Eberhard vẫn luôn thắc mắc: "Tôi vẫn không thể nào hiểu nổi, họ đã bàn luận điều gì trong cuộc họp Hội đồng quản trị đó!"
Tarpenning cũng đã rời khỏi công ty ngay sau đó, và cuối cùng, Elon Musk đã trở thành CEO chính thức của Tesla.
Kẻ chiến thắng viết lại lịch sử
Vào năm 2009, cựu CEO, Martin Eberhard đã cáo buộc Elon Musk muốn "viết lại lịch sử Tesla". Ông đã kiện Musk tội phỉ báng, vu khống và vi phạm hợp đồng. Ông ta cho rằng, Musk đã cố tình đẩy ông ta ra khỏi công ty, công khai chê bai và làm tổn hại đến tài chính của Tesla.
Tháng 9/2009, Tesla và Martin Eberhard đã công bố một thỏa thuận về việc ai là người đồng sáng lập công ty này. Theo đó, 5 người được coi là đồng sáng lập hãng xe điện Tesla, bao gồm Elon Musk, JB Straubel (Giám đốc công nghệ của Tesla khi đó), Martin Eberhard, Marc Tarpenning và Ian Wright.
Hiện tại, trong khi Musk đang thống trị Tesla, điều gì đã xảy ra với hai nhà sáng lập thực sự của công ty này?
Hiện tại, Eberhard vẫn giữ nguyên đam mê của mình đối với những vấn đề về môi trường và hiện đang nghiên cứu để cải tiến các phương tiện chạy bằng điện với giá cả rẻ hơn. Ông khẳng định không có ác ý chống lại Tesla và luôn mong muốn công ty trở nên thành công hơn. Điều này cũng khá dễ hiểu. Bởi thực tế là Eberhard vẫn còn đang sở hữu cổ phiếu của Tesla, thứ mang lại cho ông giá trị tài sản ròng là 550 triệu USD.
Trong khi đó, Tarpenning chia sẻ rằng, đôi khi ông vẫn nói chuyện với Musk. Nhìn lại những gì đã qua, ông khẳng định mình không hề hối tiếc. Vì "từ đầu tới cuối, mọi thứ đều tuyệt vời, kể cả những điều tồi tệ nhất và tốt đẹp nhất. Tesla đã đạt được sự thành công tuyệt vời".
Hiện nay, Tarpenning cùng với Pierre Omidyar, người sáng lập eBay, đã trở thành nhà cố vấn và nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp thế hệ mới, trong lĩnh vực môi trường.
Hai người đàn ông chân chính này luôn tự hào về những gì họ đã đạt được và hoàn toàn không phản ứng tiêu cực trước những gì đã diễn ra khi họ rời khỏi Tesla. Họ thực sự rất đáng khâm phục!
Những dấu hiệu của sự rời bỏ!
Việc những người sáng lập rời khỏi công ty diễn ra rất phổ biến!
Nghiên cứu được thực hiện bởi Harvard Business Review cho thấy: "Vào thời điểm mà các công ty liên doanh đã hoạt động được tầm 3 năm, 50% người sáng lập sẽ không còn là CEO nữa. Trong năm thứ tư, chỉ có 40% người sáng lập vẫn còn làm việc trực tiếp tại công ty. Và trong 5 năm, chỉ còn có khoảng 25% người sáng lập vẫn giữ chức vụ Giám đốc điều hành".
Đó là một bài học cho tất cả những ai hiện đang có mơ ước khởi nghiệp. Việc bạn thành lập một công ty không đồng nghĩa với việc, bạn sẽ điều hành công ty đó mãi mãi.
Có một điều mà cá nhân tôi cũng đã học được khi rời khỏi công ty khởi nghiệp của mình, đó là: "Việc trải qua bất kỳ vòng huy động vốn Series A tiềm năng nào, đều sẽ rất tốt cho dòng tiền và nguồn lực của công ty. Nhưng bên cạnh đó, việc thu hút các nhà đầu tư sẽ mang lại nhiều thách thức lớn hơn đối với những người sáng lập".
Ít nhất đối với Mcdonald's, tên tuổi của họ sẽ tồn tại mãi mãi dưới tên công ty mà họ đã thành lập. Đối với Eberhard và Tarpenning, có vẻ như Elon Musk sẽ luôn được coi là người sáng lập và đứng sau Tesla.